'Người đàn bà đẹp' Thanh Quý có duyên với các vai thanh niên xung phong

TPO - Ở tuổi ngoài 60, diễn viên Thanh Quý vẫn là một “người đàn bà đẹp”. Bạn bè bà thường đùa, “nó tránh các cuộc săn đuổi nên không dùng facebook”.

18 tuổi, Thanh Quý chạm ngõ điện ảnh bằng một vai thanh niên xung phong trong "Chuyến xe bão táp" của đạo diễn Trần Vũ. Bộ phim được ủng hộ rộng rãi, nên chỉ một năm sau, Thanh Quý tiếp tục đóng vai Vân trong "Những người đã gặp", được xem như phần hai của “Chuyến xe bão táp”.

Thanh Quý trong phim "Không có đường chân trời"

Sau đó, đều đặn các vai diễn của Thanh Quý đều liên quan đến chiến tranh và hậu chiến. Trong "Tình yêu và khoảng cách" của đạo diễn Đức Hoàn, Thanh Quý vào vai Ngân Hà, một phụ nữ trẻ đẹp thay lòng khi gặp lại người yêu đã là cựu binh bị thương nặng. Vai diễn này được đánh giá là đã tạo ra một nhân vật có cá tính mạnh mẽ, cách hành xử quyết liệt, đem lại cho Thanh Quý giải Bông sen vàng cho "Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất" tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7.

"Người đàn bà bị săn đuổi"

Năm 1986, Thanh Quý tiếp tục làm thanh niên xung phong trong "Không có đường chân trời" của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Sáu năm sau, đạo diễn Đức Hoàn tái ngộ “nàng thơ” Thanh Quý trong "Chuyện tình bên dòng sông". Trong phim này, chị vào vai một người đàn bà bị mất một chân vì bom đạn. Cả gia đình chỉ còn lại hai chị em. Thanh Quý kể rằng đây là vai mà chị rất ưng ý về diễn xuất. Không nhiều phim khiến chị hài lòng như vậy dù gia tài diễn xuất của Thanh Quý rất dày và dài.

Một vài người bạn của Thanh Quý hay ngậm ngùi, có thể vì các vai diễn “đầy thân phận, éo le” vận vào đời, nên cuộc sống riêng của chị khá long đong. Có người khác lại nói: Quý khổ vì Quý quá đẹp!

Thanh Quý của hiện tại.

Sau cuộc ly hôn đình đám với họa sĩ Thành Chương, Thanh Quý nói rằng chị đã quá sợ hôn nhân và không nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Ở tuổi hưu, chị sống cùng con gái và thường tụ họp với “bạn bè khóa hai” (khóa diễn viên thứ hai) đi chơi xa, cà phê buôn chuyện.

Sau những đồn đoán “được chia một nửa gia tài” của họa sĩ “bán tranh đắt nhất nước”, Thanh Quý vẫn sống giản dị, “mặc đồ made in Việt Nam” và “ăn rau chợ” (chứ không phải rau trong siêu thị). Thi thoảng chị nhận lời một vai diễn trong phim truyền hình và “vẫn chảy nước mắt mỗi lần xem lại phim về chiến tranh”.