Chiều 16/10, ông Trần Việt Hưng (Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp) cho hay, 9 tháng qua trong gần 9 tỷ đồng nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại mới thu lại được hơn 500 triệu tiền bồi hoàn của 8 cán bộ liên quan trách nhiệm. Trong số này không có người mắc sai phạm cố ý khi giải quyết án hình sự.
Theo ông Hưng, trong tố tụng hình sự, chỉ người bị xác định mắc lỗi cố ý ra bản án trái luật hay cố ý làm sai lệch hồ sơ... mới phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi này gây ra, với lỗi vô ý thì không.
Trao đổi với PV về việc xử lý bồi thường thiệt hại do việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hưng cho rằng trách nhiệm chính thuộc về TAND Tối cao. Cục Bồi thường nhà nước chỉ tác động, phối hợp "ở một mức độ nhất định". Cục đã nhiều lần chủ động gửi công văn cho TAND Tối cao đề nghị đẩy nhanh quá trình giải quyết bồi thường cho ông Chấn.
Ông Hưng nhận định, hiện việc điều tra nguyên thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm, chủ tọa phiên phúc thẩm cuối cùng kết tội ông Chấn, bị cáo buộc có hành vi thiếu trách nhiệm mới ở giai đoạn đầu. Theo khoản 1, Điều 16 Nghị định 16/2010/NĐ-CP, nếu ông Chiêm bị xác định là cố ý, bị kết tội bằng bản án có hiệu lực thì ông sẽ phải bồi hoàn 100% số tiền bồi thường thiệt hại được xác định đã gây ra cho ông Chấn. Trong trường hợp nhiều người liên quan trách nhiệm trong vụ án, căn cứ đánh giá sai phạm của từng người, mức tiền bồi thường sẽ được chia cụ thể.
Phó Cục trưởng Hưng cho rằng trong xử án, nếu áp dụng quy định người thi hành công vụ cứ có lỗi phải hoàn trả tiền bồi thường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như quyết tâm của thẩm phán chủ tọa. Vì thế, ông kiến nghị "nên sử dụng những biện pháp khác ngoài việc hoàn trả”.
Theo ví dụ của ông Hưng, Nhật Bản trung bình một năm có khoảng 200 vụ nhà nước phải bồi thường. Luật bồi thường của nước này ra đời từ năm 1947 song đến nay chưa cán bộ công chức nào phải hoàn trả tiền bồi thường.
Hiện, ông Chấn yêu cầu TAND Tối cao bồi thường gần 10 tỷ đồng thiệt hại vật chất và tinh thần cho mình và gia đình trong 10 năm ông bị kết tội oan. Tuy nhiên, con số cuối cùng sẽ được chốt lại sau các buổi làm việc giữa ông và cơ quan này trong thời gian tới, căn cứ các quy định của pháp luật.
Ngoài ông Chiêm, liên quan trách nhiệm trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao đã khởi tố bị can, tạm giam ông Trần Nhật Luật (cựu thượng tá - nguyên phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (cựu trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang) về hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Điều 16: Xác định mức hoàn trả
1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.
Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.
2. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 3 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 18. Xác định trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.
2. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải yêu cầu Tòa án xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của bị cáo là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng hình sự để hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.
Theo Bảo Hà