> Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông
> Trung Quốc sẽ bị chất vấn thông tin ‘lục soát tàu bè’ Biển Đông
Nóng bỏng Hoàng Sa
Đã khá lâu không gặp thuyền trưởng Lê Văn Chiến (tàu ĐNa 90351, Xuân Hà - Thanh Khê, Đà Nẵng), dạo này thấy anh gầy, đen hơn nhiều.
“Sao nên cơ sự này?”. Anh Chiến cười buồn: “Thì làm ăn khó quá chứ răng, khó không phải biển Đông, Hoàng Sa hết cá mà là bất an và lo lắng bởi sự bố ráp, uy hiếp ngày càng ngang ngược của Trung Quốc”.
Anh Chiến đang dong tàu lên đà (xưởng sửa chữa) để đại tu lại con tàu sau 5 chuyến biển tính từ tháng 5-2012 đến nay.
“Đây là 5 chuyến biển đánh bắt có hiệu quả nhất từ trước tới nay, nhưng cả 5 chuyến biển bất an, đặc biệt trong hai chuyến cuối vào tháng 8 và tháng 10 mới đây, trùng với hai con bão số 6 và 7. Chưa bao giờ tui thấy Trung Quốc bố ráp mạnh mẽ, hung hăng như vậy”.
Anh Chiến nhớ lại, trong cơn bão số 6 (8-2012), khi tàu anh đang tìm đường chạy vào trú tránh ở đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bất ngờ gặp tàu Trung Quốc đi ngược chiều.
Lúc này, tàu còn cách đảo Bông Bay khoảng 20 hải lý, ICOM hiện chỉ số 15040/ Bắc – 112010/ Đông, thường lệ khi có bão, tàu chiến Trung Quốc thường ít ngăn cản tàu ngư dân nước ngoài vào neo đậu, nhưng nay chỉ mới cách 20 hải lý, họ đã bắc loa kêu gọi tàu anh Chiến quay đầu trở ra. Nghĩ vẫn chẳng có vấn đề gì, anh tiếp tục cho tàu tiến vào đảo vì tin báo bão lúc này đã dồn dập.
Bất ngờ, cặp đôi tàu chiến Trung Quốc áp sát, chặn đầu đường vào đảo. “Lính trên tàu chiến Trung Quốc lăm lăm súng ống, mặt đằng đằng sát khí, còn người phiên dịch cũng không còn nét bình thường như trước mà nói như quát: “Quay vào ngay”.
Ngay sau tiếng quát của thông ngôn, một loạt đạn pháo khói nổ bôm bốp trên boong tàu ngư dân Việt Nam, khói tỏa mù mịt khiến thuyền viên trên tàu hoảng loạn.
Lúc này, chỉ còn thuyền trưởng Lê Văn Chiến dày dạn kinh nghiệm, đủ tỉnh táo bẻ lái quặt tàu trở lại. Khói chưa tan trên tàu, bỗng từ cả hai phía mạn, 10 chiếc vòi rồng phun nước xịt thẳng khiến con tàu 550 mã lực ngả nghiêng.
“Lần đầu tiên bị, tui lúc đó nghĩ xong đời rồi, tưởng nó đuổi là hết, ai ngờ nó chơi chiêu độc, hai tàu cùng xịt nước, mỗi tàu có 5 vòi rồng, to như cột nhà, xịt lên tàu làm ngư lưới cụ bay tứ tung, may anh em thuyền viên trốn vào khoang lái không thì nguy”.
Xịt nước 2 đợt khiến con tàu ĐNa 90351 tả tơi, chạy kèm theo khoảng 2 hải lý thì 2 tàu chiến quay đầu, bỏ đi.
Cứ nghĩ đó là một cuộc bố ráp bất ngờ nên đúng cơn bão số 7 sau đó, anh Chiến lại dong tàu vào trú tránh ở đảo Tri Tôn. Nhưng tình hình vẫn vậy, tuy chỉ có một tàu chiến Trung Quốc xua đuổi nhưng sự căng thẳng, đe nẹt đã được đẩy đến cao độ.
Bao đời này tui đánh bắt ở đó, thỉnh thoảng chỉ bị tàu chiến hay tàu hải giám của họ xua đuổi nhưng rồi yên bình, nhưng giờ đây, khi chạy cách đảo Tri Tôn 30 hải lý mà tàu ngư dân Trung Quốc vẫn đe dọa, đẩy đuổi thì hết chỗ nói.
“Chúng dùng vòi rồng xịt nước liên tục, lính trên tàu thì súng lăm lăm, mình mà lỳ thêm chút, e nó bắn chứ chẳng chơi. Hoảng quá, tui phải lập tức bẻ lái tính quay vào thì tàu họ áp sát, bắt chạy một mạch hướng Nam, sau này, khi ở Quy Nhơn (Bình Định) an toàn rồi, mới nghe đợt đó (bão số 7), hàng chục tàu mình bị bố ráp, đẩy đuổi” - anh Chiến kể.
Theo thuyền trưởng Chiến: Cả 2 lần bị đẩy đuổi (là những lần đầu tiên tàu anh bị đuổi), tàu Trung Quốc luôn bắt thuyền trưởng và thuyền viên không ngoảnh đầu lại phía Đông (tức Hoàng Sa).
“Như lần thứ 2, họ lai dắt tàu tui rời xa đảo đến tận 50 hải lý. Tui chưa bao giờ thấy hiện tượng này, rõ ràng là họ đã bắt đầu mở rộng tầm kiểm soát về 3 phía: Nam, Tây và Bắc, đặc biệt là mở rộng về phía Tây và Nam, tính từ quần đảo Hoàng Sa, lấn dần vùng biển của ta".
Chạy ngoài đảo bị đuổi đi, nhưng con bão cận kề, dù đã neo chắc chắn ở đảo Tri Tôn, tàu của thuyền trưởng Nguyễn Phú Hùng (ĐNa 90307 - Thanh Khê Đông), cũng bị đuổi ra khỏi đảo. Anh Hùng kể: Lần đầu tiên thấy họ manh động như vậy, mình chỉ vào trú bão, xong lại đi ra, nhưng họ nhất quyết không cho.
Năn nỉ không được, tính bài lỳ cứ nằm yên thì họ dùng pháo khói và vòi rồng xịt tới tấp, buộc lòng phải bỏ chạy. Hai tàu chiến màu trắng, cao lừng lững chạy áp hai bên, dong theo tận hơn 30 hải lý mới dừng lại rồi quay đầu.
Bị đẩy đuổi cùng đợt với tàu anh Hùng còn có hàng chục tàu Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Anh Phạm Xuân Dũng (tàu ĐNa 90305 - Thanh Khê Đông), kể: Họ mạnh tay từ hồi đầu tháng 6, ngư dân mình ra họ kiểm soát gắt gao.
Nói chung không khí ở Hoàng Sa bây giờ ngột ngạt lắm. Tàu anh Dũng định vào trú bão ở đảo Tri Tôn nhưng trên đường vào thì gặp 2 tàu chiến Trung Quốc đang áp tàu ĐNa 90307 của anh Hùng chạy ra.
Một tàu chiến tách ra, chặn ngang đầu tàu anh Dũng, thẳng tay xịt vòi rồng mà không cần đưa ra một lời giải thích. “Họ kè mình đi ra mà cứ như cố tình phá tàu mình, cứ bắt mình chạy với tốc độ tối đa, áp sát sau lưng” - anh Dũng kể.
“Tình hình bây giờ không yên như trước nữa, không chỉ tàu chiến mà ngư dân Trung Quốc cũng đã tham gia đẩy đuổi tàu mình ngay khu vực biển Hoàng Sa” - anh Lê Văn Ninh (thuyền trưởng tàu ĐNa 90072 - Hòa Minh - Liên Chiểu) nói.
Tàu anh Ninh vừa cập cảng Thọ Quang sau chuyến biển ấm ức. “Bao lâu nay tui đánh bắt ở đó, thỉnh thoảng chỉ bị tàu chiến hay tàu hải giám của họ xua đuổi nhưng rồi yên bình, nhưng giờ đây, khi chạy cách đảo Tri Tôn 30 hải lý mà tàu ngư dân Trung Quốc vẫn đe dọa, đẩy đuổi thì hết chỗ nói”.
Theo anh Ninh, dạo gần đây, ngư dân Trung Quốc với tàu sắt to lớn, thậm chí có cả vũ khí đã ép tàu Việt Nam phải quay đầu, không cho tiến ra biển lớn.
Vững vàng ra khơi
Tàu ĐNa 90351 của anh Lê Văn Chiến đã 550 mã lực, nhưng sau mấy chuyến biển vừa rồi, anh cho tàu lên đà, làm lại toàn bộ nội thất hầm cá, lắp thêm máy đẩy 350CV. “Phải nâng mã lực lên thôi".
“Người hùng Hoàng Sa” mấy chục năm lăn lộn giữa trùng khơi, quả quyết: Ngư trường bao đời nay, vẫn phải ra đó mà đánh bắt. Bây giờ, việc cần kíp của ngư dân là phải đoàn kết, đoàn kết hơn nữa.
Sau đó là cùng nhau nâng cấp máy, đóng thêm nhiều tàu lớn. Chỉ có đoàn kết mới thoát được nạn. Anh Chiến lấy ví dụ như lần bị đẩy đuổi cách đây 3 tháng, lúc đó, tàu anh đang quây theo ụ cá vừa mới phát hiện, khi những mẻ lưới cuối cùng chưa được kéo lên thì tàu chiến Trung Quốc xuất hiện.
“Mình phải bỏ ụ cá mà chạy, tất nhiên hôm sau không dám tới nữa, vì tàu Trung Quốc họ làm bài bản lắm, tiếp cận xong họ quay phim, chụp ảnh, ghi rõ ngày giờ, số hiệu tàu, tên tuổi thuyền trưởng. Nếu mình quay lại sẽ nhận hậu quả nặng nề hơn. Lúc này, mình phải gọi ngay cho tàu khác đến ụ cá đó mà đánh bắt - đó là đoàn kết".
Anh Lê Văn Ninh lúc này đang tất bật đóng mới tàu 850CV, nói: Phải đóng tàu lớn, thật lớn với công suất mạnh thì mới không bị “lép vế” trước họ.
Lê Văn Chiến, Nguyễn Phú Hùng, Nguyễn Văn Thương, Lê Văn Ninh, Phạm Văn Dũng, Ngô Vân Hiền, Nguyễn Đình Châu..., cả làng cá Thanh Khê đang đồng loạt nâng cấp máy, tân trang tàu và ấp ủ đóng mới tàu khủng. Họ vẫn ra Hoàng Sa, dù ở đó nóng bỏng thế nào đi chăng nữa.