Chiều 28/9, ghi nhận của PV Tiền Phong tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), ngay khi bão tan, chủ nhiều tàu cá đã trở lại đây để sẵn sàng ra khơi.
Anh Tân (chủ một tàu cá tại cảng cá Thọ Quang) cho biết, anh sinh sống ở trên tàu đến nay cũng được gần 20 năm, đã quen với sóng biển và những cơn bão. Trước mỗi đợt bão, ngư dân rủ nhau về bờ sớm để tránh bão. Khi bão tan, anh em ngư dân nào cũng háo hức vì lại được tiếp tục công việc đã gắn bó bao năm.
Ngư dân thử độ chắc chắn của dây thừng sau cơn bão .
Theo anh Tân, mỗi con tàu có giá trị khoảng 5 đến 6 tỷ đồng.
Ngư dân ngồi ghe ra tàu để làm công tác hậu cần, sẵn sàng ra khơi khi cơ quan chức năng cho phép
Việc gia cố lại tàu thuyền, ngư cụ sau bão là việc làm hết sức quan trọng của người dân miền biển
Ông Hùng (thuyền viên một tàu cá tại cảng Thọ Quang) nói: "Mỗi đợt tàu của tôi ra khơi thường khoảng từ 10 ngày đến một tháng, phụ thuộc vào tàu buôn cá. Nếu có tàu ra khơi lấy thủy sản, chúng tôi thường neo đậu đến cả tháng mới vào bờ để lấy thêm lương thực vì mỗi lần tàu ra vào bờ, tốn đến cả 2.000 lít dầu". Theo ông Hùng, sau bão, cá thường nhiều hơn so với bình thường nên ông tranh thủ ra khơi sớm.Trong ảnh, hai ngư dân đang gia cố lại dây thừng dùng để kéo lưới để sẵn sàng ra khơi.
Một tàu khác đưa đá vào kho đông lạnh, chuẩn bị cho chuyến đi dài. Tùy từng tàu và theo cách đánh bắt sẽ có cấu tạo khác nhau. Có 3 loại tàu chính là tàu kéo cá, tàu thả lưới và tàu bắt cá chim.
Nhiều khi ngoài khơi, thiếu lương thực, tàu bè mượn nhau từng lon gạo để duy trì sinh hoạt thiết yếu đến khi vào bờ.
Các tàu ở cảng cá Thọ Quang chuẩn bị cho chuyến ra khơi khi cơ quan chức năng cho phép.
Thành Đạt