Mới đây, Công ty hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số năm Đường sắt Trung Quốc đã trình Bộ GTVT báo cáo giữa ký tuyến đường sắt Lào Cai – Hải phòng.
Theo đó, tuyến đường sắt tương lai có thể đi qua 8 tỉnh thành, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng (điểm cuối tại cảng Lạch Huyện).
Cụ thể, đường sắt xuất phát Hà Khẩu (Trung Quốc), qua ga Đồng Đăng tới ga Lạng Sơn. Từ đây, tuyến đường vượt sông Hồng chạy dọc theo cao tốc Lào Cai - Nội Bài để về ga Đông Anh.
Rời ga Đông Anh, tuyến đường vượt cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, về Yên Viên, vượt sông Đuống đến huyện Gia Lâm (Hà Nội), qua Hưng Yên, chạy dọc theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Tuyến đường không vào ga Hải Phòng mà qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện tới cảng Lạch Huyện.
Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt này gần 393km. Toàn tuyến có 37 ga, xây mới 96 cầu, 26 hầm, xây mới 1.084 hầm chui dân sinh. Tốc độ thiết kế 160km/h.
Tuy vậy, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau với đề xuất trên. Thay vì xây mới một số đoạn qua Hưng Yên, Hải Dương, có thể tận dụng Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hiện đã làm khổ đường 1.435mm về đến Uông Bí (Quảng Ninh). Đồng thời có nhánh kết nối với cảng Lạch Huyện.
Việc Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt liên vận Việt – Trung mới nối Hải Phòng – Đồng Đăng do hệ thống đường sắt hiện hữu của Việt Nam chủ yếu khổ ray 1.000mm. Trong đó có đoạn đường sắt Hà Nội – Hải Phòng.
Trong khi đó, Trung Quốc và các nước khác đều đã sử dụng tàu khổ ray 1.435mm, trong khi khổ ray này ở Việt Nam hiện chỉ kéo dài từ Đồng Đăng về tới Gia Lâm (Hà Nội). Do đó, muốn kết nối liên thông tàu và hàng hóa, tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng phải được nâng lên khổ 1.435, kết nối với tuyến Hà Nội – Đồng Đăng.