Nghiêm chào người lính binh nhì

TP - Vị Tướng huyền thoại, tướng quân của hòa bình đã mãi mãi ra đi… Nhìn dòng người xếp hàng trật tự vào viếng Ông, mới ngộ ra một điều: Lòng người là tất cả! Dòng người như nước lũ chầm chậm, nói lên một điều bất biến: Lòng yêu nước của người Việt Nam không bao giờ mất. Lòng yêu nước được biểu hiện bằng sự tiếc thương một người yêu nước! Tôi ngược dòng thời gian, bồi hồi nhớ lại ba lần được gặp ông, xin phép kể ra đây như một lời tâm sự.

> Nghệ sĩ khóc thương Đại tướng
> Nước mắt nghẹn ngào tiễn biệt Đại tướng

Yêu lính như con

Lần thứ nhất: cuối 1971, trước tết Nhâm Tý 1972. Sư đoàn bộ binh 338 quân tăng cường vào B của chúng tôi đang tích cực “rèn” quân tại Thạch Thành (Thanh Hóa). Sư đoàn được mệnh danh là sư đoàn sinh viên (vì 100 phần trăm là sinh viên và các thầy giáo ở các trường đại học, có cả các tiến sĩ và giáo sư vừa từ nước ngoài về, tất cả đeo lon binh nhì…).

Ngày ngày, chúng tôi xạ kích, võ thuật, đào hầm tránh máy bay và đeo một cái sọt tre tự đan đựng 10 kg gạch đá hành quân 5 km… Sẵn sàng chỉ một mệnh lệnh là thẳng tiến vượt sông Bến Hải vô nam. Khoảng ngày Ông Công, Ông Táo thì phải, rét như cắt ruột, cái Tết năm ấy sao rét thế, tôi quấn cả chăn, màn, mặc tất quần áo dài rồi đắp ngoài cả tấm nilon nằm ngủ mà vẫn rét.

Quãng 3 giờ sáng, còi báo động rít lên, toàn sư nhanh như chớp nai nịt chỉnh tề, quân trang, quân dụng mang đi hết. Tôi hất khẩu B41 lên vai là đi, ngày ấy sức trai, nhẹ như không.

Đêm tối như mực, người sau bám người trước mà đi, tới sáu giờ, ngỡ là đã vô tới Trường Sơn rồi mà nhìn xa xa thấy mấy ngọn núi đá vôi ở Non Nước (Ninh Bình). Mới té ngửa ra là đang hành quân ngược ra bắc. Lệnh truyền tới: Toàn sư đoàn tập trung đón Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chúc Tết và giao nhiệm vụ…

Sáng rõ, toàn sư đã tề tựu chỉnh tề trong cánh rừng bạch đàn còn đẫm sương đêm, trên một bãi phẳng, một “sân khấu tự tạo” đã nhanh chóng dựng lên, Đại tướng lên nói chuyện ở đó, đầu tiên, ông phân tích tình hình chiến sự hai miền, khó khăn, thuận lợi, tiếp đó ông vạch ra thế cờ địch phải vấp, triển vọng cuộc chiến sẽ đi đến đâu, tuy còn rất nhiều gian nan nhưng cuối cùng ta nhất định thắng lợi.

Cuối cùng, Ông chúc sức khỏe toàn sư và chúc hãy xứng đáng là “Người lính Cụ Hồ”… Toàn sư đoàn sỹ khí rực sáng, tiếng “Ura” (tức muôn năm, tiếng Nga) vang dội… Thấy Ông ra xe (chiếc Commăngca đít tròn), binh sỹ thấy thế ào ào bỏ hàng ngũ chạy ra phía chiếc xe để được gần Ông hơn! Đại tướng lệnh cho xe cứ từ từ chạy, còn ông đi bộ giữa các binh sĩ, bỗng ông dừng lại trước một người lính trẻ, rất trẻ, người gầy gò trong bộ quân phục số 2 rộng thùng thình, đầu đội mũ cối gắn quân hiệu lấp lánh, hai bên cổ áo đôi quân hàm binh nhì đỏ chót. Ông nghiêm trang hỏi: “Đồng chí đi bộ đội lâu chưa?”.

“Báo cáo Đại tướng, gần 2 tháng ạ!”...- “Đồng chí đã biết chào chưa?”… Người lính thực sự lúng túng, vì quá xúc động… Và bất ngờ, Đại tướng, vị Tướng lừng danh từng đánh tan đội quân xâm lược đế quốc Pháp và đang làm điên đảo quân Mỹ rập gót đứng nghiêm, trân trọng chào người binh nhì trong đạo quân của mình trước giờ ra trận… Khoảnh khắc, không khí như bị nén lại, rồi nổ bùng ra trong tiếng “Ura” vang dội… Người lính trẻ đó chính là họa sĩ Nguyễn Tiến Dũng, phụ trách Cung Thiếu Nhi Hà Nội sau này.

Khi đó cùng đồng đội hò reo ôm lấy Đại tướng, Tổng Tư lệnh tối cao của mình, vì quá trẻ, tôi không biết rằng lòng Người đang đau như xé khi tiễn biệt những đứa con măng sữa của mình sắp lao vào cơn lửa đạn, có thể giã từ cõi đời chỉ trong gang tấc! Nhưng sự kiện Ông, một Đại tướng rập gót chào một binh nhì trước giờ xuất trận đã làm cho đạo quân của ông thành đạo quân “Phụ tử chi binh” và mãi mãi sau này, những người lính ấy đã dám hy sinh thân mình, dù ở B2, B3, ở C, ở K… hay ngay trong lòng địch, một khi nghĩ về Ông!

Được Đại tướng “cho” tiền

Lần thứ hai: Khoảng năm 1995, sau khi cuộc triển lãm hội họa “Cái nhìn từ hai phía” của họa sĩ Việt Nam - Mỹ đi vòng 15 bang ở Mỹ thì bế mạc ở Hà nội. Khi đó, Mỹ chưa bỏ cấm vận, và thật bất ngờ, tôi được mời đại diện các họa sĩ Việt nam đón Võ Đại tướng và phu nhân tới xem triển lãm. Tôi dẫn ông đi và ngạc nhiên là Ông xem rất kỹ từng bức tranh, đặc biệt hai bức: “Cánh rừng Đi ô xin” của tôi và bức “Bác Hồ” làm bằng các con tem thư của họa sĩ Mỹ David Thomas.

Tôi biết, trước đó, ông vừa trải qua những thăng trầm khủng khiếp của kiếp người trong thời bình… chúng ta vẫn ca ngợi Ông là bậc Tài, Trí, Trung, Dũng, văn võ song toàn… Nhưng ít ai thấy Ông còn là một bậc Đại Nhẫn, bậc này chỉ có những người đã là Phật rồi mới có. Nhờ có đức Nhẫn, Ông đã vượt qua muôn trùng hiểm nguy của bình thời để vẫn hoàn thành nhiệm vụ với Đảng với Dân.

Hai vợ chồng Đại tướng đều là người yêu nghệ thuật, năm 1985 trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tôi có tham gia bức: “Đầu sàn ban nở”. Mấy hôm sau cô Giáng Hương phụ trách Hội Mỹ thuật gọi bảo: Dũng được vợ chồng Đại tướng mua bức tranh đó rồi, vì nó gợi nhớ thời kỳ sống ở miền núi… Tôi bảo: “Thôi, em không bán đâu, với Đại tướng em sẵn sàng biếu mà!”. Cô Hương cười bảo: “Nhưng Đại tướng trả tiền rồi, với lại mấy khi được Đại tướng cho tiền”…

Được Đại tướng cho vẽ ký họa chân dung

Bức chân dung được Đại tướng ký tên.
 

Lần thứ ba: Duyên trời, anh Đặng Thái Hoàng, em chị Hà rủ tôi vào vẽ Đại tướng. Tôi thật sự xúc động! Đúng hẹn, tôi mang máy ảnh, cặp vẽ và chiếc bút sắt vào tư dinh ông, Đại tướng quân phục chỉnh tề đón tôi, tôi lúng túng khi đại tướng hỏi thăm gia cảnh ông tôi, rồi cha tôi. Sau những bức ảnh tuyệt ưng ý là đến bức họa… Tôi quan sát đôi mắt ông…

Hồi nhỏ tôi đã nhìn thấy ở đâu rồi nhỉ? Nó như mắt của một nhà sư, một người tu hành, nó vừa vị tha, vừa nghiêm khắc, vừa đau đời vừa hoan hỷ, vừa siêu thực vừa hiện thực… Nó làm cho anh tin và cởi mở cõi lòng, và nếu anh không trung thực, nó biết ngay!

Đột nhiên ông hỏi: “Sao Minh Đỉnh “đi” nhanh thế nhỉ?”… Tôi biết ông muốn tôi bình tĩnh, quả thực, tôi nhìn mắt Ông, thấy trong đó có các trận đánh, thấy có các thời khắc gian nan mà sinh mệnh dân tộc trao cho Ông quyền quyết định tối hậu… Một đôi mắt cực thông minh, can trường… Bức ký họa vì thế mãi không hoàn thành. Thấy tôi giằng xé với bao câu hỏi tự trong lòng (tôi chỉ nghĩ thôi, thế mà ông biết), Ông bảo: “Tôi phải đi tập Thái cực quyền rồi, mai đồng chí lại đến nhé?” Bị bất ngờ, rất xúc động, tôi hỏi: “Thưa Đại tướng, mấy giờ ạ?”- “Ba giờ!”.

Đại tướng trả lời bằng giọng Lệ Thủy, như một tiếng lệnh. Rồi Ông thay đồ đi tập Thái cực quyền. Chiều hôm sau, ngày 13/9/2003. Đúng hẹn, tôi có mặt. Ông đã chờ sẵn với bộ võ phục cấp tướng. Hôm nay ông vui vẻ hơn, hỏi tôi đủ chuyện, lại còn nói với tôi: “Đồng chí lưu ý cái mắt và cái trán của tôi nhé” .

Lần này bức họa vẽ bằng phấn màu là chất liệu sở trường của tôi, khoảng 20 phút sau đã xong. Đại tướng ngắm bức vẽ vẻ hài lòng… Tôi muốn đưa bức này về nên nói: “Thưa Đại tướng, xin Đại tướng một chữ ký”. Ông hỏi: “Ký là Văn hay Võ Nguyên Giáp?”. Tôi trả lời: “Xin Đại tướng cứ ký Võ Nguyên Giáp là hơn ạ!”.

Cầm cây bút dạ đen, im lặng dường như vận khí, căn phòng tĩnh lặng lạ thường, bất ngờ, Ông tung bút ký, đường bút đi như kiếm bay, rồi hạ bút chấm một cái, như đinh đóng cột. Thế là bức họa hoàn thành!

Ngoảnh vào trong nhà, Ông gọi: “Hà ơi! Xem này, đẹp đấy…”. Tôi chết lặng nhìn Ông, vị chỉ huy tối cao của dân tộc, mà sao thật giản dị! Năm ấy, Ông đã 93 tuổi rồi. Vậy mà đã 10 năm có lẻ ít ngày… Mãi mãi Ông là Tổng Tư Lệnh tối cao trong lòng chúng tôi!

Họa sỹ
LÊ TRÍ DŨNG

Theo Báo giấy