Nghịch lý chống ùn tắc trên tuyến đường đông đúc nhất Thủ đô
TPO - Ngoài “siêu” dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông với giá trị hơn 18.000 tỷ đồng, hàng năm ngân sách thành phố Hà Nội còn chi hàng trăm tỉ đồng cho duy tu, công tác đảm bảo giao thông. Tuy nhiên tuyến đường Nguyễn Trãi hơn 10 năm qua vẫn chìm trong công trường và ùn tắc.
Sau hơn 10 năm chìm trong hàng rào thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, ùn tắc liên miên, từ đầu năm 2022 tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông tạm hết cảnh đại công trường.
Ngoài hơn 18.000 tỷ đồng đầu tư cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT thực hiện, để hoàn trả mặt đường trên trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung (Hà Đông) trong các năm 2020-2021 UBND thành phố Hà Nội còn chi ngân sách cả trăm tỷ đồng để hoàn trả, thảm lại mặt đường, tổ chức giao thông.
Với mức kinh phí đầu tư “khủng” trên, từ năm 2022 đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông trở thành trục đường có hạ tầng giao thông, các nút giao đồng bộ, hiện đại nhất Thủ đô. Gồm: đường rộng 10 làn xe, nút giao 4 tầng, vận tải công cộng có xe buýt thường, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị…
Tuy nhiên, từ ngày 10/6/2023, tuyến đường Nguyễn Trãi lại bị xẻ ra nhiều đoạn để quây rào thi công 8 lô cốt hố ga thuộc dự án xử lý nước thải Yên Xá.
Từ tuyến đường rộng có mặt cắt rộng, đẹp và đồng bộ nhất Hà Nội, trong mấy ngày qua tuyến đường Nguyễn Trãi trở thành tuyến đường chìm trong công trình thi công, giao thông đi lại khó khăn, ùn tắc kéo dài. Ảnh chụp sáng 13/6.
Theo quy hoạch và tiến độ dự án hệ thống nước thải Yên Xá, lẽ ra dự án đã triển khai song song với các dự án khác cũng thi công trên đường Nguyễn Trãi như đường sắt đô thị, thoát nước, cải tạo lòng đường vỉa hè. Và đến nay dự án đã thi công xong, đưa vào sử dụng đồng bộ với hạ tầng khác.
Tuy nhiên, đến nay khi hạ tầng giao thông trên đường Nguyễn Trãi đã gần như hoàn thiện đồng bộ thì dự án lại mới thi công, dẫn đến lại rào, đào đường lên.
Thực tế này đang tạo nên những nghịch lý, lãng phí đầu tư cho hạ tầng giao thông và quản lý đô thị.