Nghi lễ Hầu đồng có sức hút ghê gớm

TP - Tối 18/2, Rạp Công Nhân với sức chứa gần 500 chỗ chật kín khán giả đến thưởng thức trình diễn Chầu văn Tứ Phủ. Đây là chương trình mở màn năm mới 2016 của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đang được trình lên UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.
Một màn trình diễn Tứ phủ. Ảnh: Viet Theatre

Tứ Phủ là một vở diễn được lấy cảm hứng từ nghi lễ Lên Đồng trong văn hoá Đạo Mẫu của Việt Nam. Vở diễn là một chuyến du hành vào cõi tâm linh kỳ bí, ấn tượng với sự kết hợp giữa hiệu ứng của âm thanh, ánh sáng, hình ảnh độc đáo trong suốt 45 phút trình diễn. Vở diễn đặc biệt phù hợp với không khí Du xuân cầu Tài, cầu Lộc theo truyền thống dân tộc. Tứ Phủ gồm 3 chương: Chầu Đệ Nhị - Ông Hoàng Mười - Cô Bé Thượng Ngàn.

Vở diễn là công sức và tâm huyết của đạo diễn Việt Tú, Giám đốc Nhà hát Việt, người đã dành 3 năm tìm hiểu và xây dựng chương trình với mong muốn tạo dựng được nghi lễ hầu đồng gốc của người Việt và giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước mỗi lần ghé thăm Hà Nội. Chương trình đã được diễn ra đều đặn gần 6 tháng nay tại Rạp Công Nhân với tần suất 6 buổi/ tháng. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam và đạo diễn Việt Tú hai tuần trước Tết đã tạo nên một cú hích đối với khán giả yêu mến nghi lễ hầu đồng này. Gần 500 khán giả, trong đó có nhiều vị khách quốc tế, các đại sứ đã hết sức phấn khích khi được xem chương trình này. Tuần tới, đại sứ Phạm Sanh Châu sẽ tổ chức chương trình cho đại sứ các nước tham quan và tìm hiểu về Đạo Mẫu trong thực tế tại Phủ Dầy, nơi chiếm vị trí linh thiêng số 1 trong Đạo Mẫu Việt Nam.

Nhân dịp này, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam về triển vọng hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt" sẽ được UNESCO phê duyệt.

Xin đại sứ giới thiệu đôi chút về hồ sơ này?

Ngày 28 tháng 3 năm 2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt" tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12 năm 2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 (Công ước 2003) tại Ethiopia.

Theo quy trình, hồ sơ được tiến hành xét duyệt trong 18 tháng. Đến tháng 6 năm nay, các chuyên gia UNESCO sẽ xem xét hồ sơ này. Đến tháng 12, các chuyên gia sẽ đệ trình kiến nghị của họ, có thể là ủng hộ hoặc không ủng hộ lên các thành viên của Ủy ban di sản thế giới, họp tại Ethiopia.

Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của công chúng?

Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ 2 từ trái sang) và các đại sứ trước giờ diễn Tứ phủ. Ảnh: Viet Theatre

Hồ sơ này được cộng đồng đệ tử rất quan tâm, đặc biệt là những người ở Nam Định và những người thực hành nghi lễ này lẫn những người không thực hành nghi lễ này. Khi chúng tôi quyết định tổ chức đêm diễn này, tôi mới xem màn trình diễn cách đó chưa được 2 tuần, vào những ngày giáp tết và quyết định là ra tết tổ chức ngay. Khi quyết định, đạo diễn Việt Tú lại đổi lịch, vậy mà trong vòng 2 ngày đã có 500 người đăng ký, trong đó có hơn 20 đại sứ. Thông thường theo thủ tục ngoại giao, thông báo gấp như vậy, rất ít người tham gia. Vậy mà tới đêm diễn, có nhiều người dù đăng ký rồi nhưng không vào được vì hết chỗ. Điều này cho thấy, hầu đồng, hầu văn có sức lan tỏa, có sức hút ghê gớm. Tại đêm diễn, các bạn có thể thấy, thành phần khán giả rất đa dạng, những người có chức có quyền, thậm chí có cả những người xăm trổ cũng tới xem.

Theo ông, khả năng thành công của hồ sơ này như thế nào?

Theo nguyên tắc là mỗi nước được trình một hồ sơ và thường có khoảng 50 hồ sơ nộp lên và được duyệt khoảng 35 hồ sơ, tức là 30-40% bị loại. Chúng ta rất hy vọng hồ sơ chúng ta được thông qua bởi các chuyên gia thẩm định tốt. Để được thế, chúng ta phải xây dựng ngôn ngữ đồng thuận. Vì trước đây, người ta vẫn có ác cảm, vẫn hiểu sai rằng hầu đồng là mê tin dị đoan, buôn thần bán thánh, cầu phúc cầu lộc của những người buôn bán.

Đây có thể coi là bước đầu tiên, trình diễn trên sân khấu. Sang tuần, chúng tôi sẽ tổ chức cho một đoàn ngoại giao tới Phủ Dầy, Nam Định cho họ xem trình diễn thật và được sống với cộng đồng. Tiếp đó, chúng tôi sẽ vận động cho các chuyên gia hiểu thêm. Thực sự, đây là một tín ngưỡng rất đẹp của dân tộc, rất độc đáo của Việt Nam, chỉ có điều, người ta thực hành sai đi, bóp méo nó đi.

Là người có kinh nghiệm nhiều trong việc vận động hồ sơ trình UNESCO, theo ông khó khăn nhất là gì?

Khó khăn nhất là phải tìm được sự đồng thuận và phải giải thích tận tường cho chuyên gia xem hồ sơ. Hiện nay, mỗi hồ sơ chỉ được giải thích trong mấy ngàn chữ. Mà trong từng ấy chữ, không thể nào giải thích hết được cái hay, cái đẹp. Phải mời họ đến xem thì họ mới hiểu được. Khó khăn là phải làm sao cho các chuyên gia hiểu đúng, hiểu đủ.

Theo ông, làm thế nào để vừa tôn vinh cái đẹp của hầu đồng, vừa dẹp bỏ được mê tin dị đoan?

Nếu được UNESCO vinh danh thì nó sẽ khẳng định tính đúng đắn của hồ sơ này và sẽ đánh bạt đi mọi nghi ngờ không tốt. Vì UNESCO là trọng tài, là tòa án về văn hóa. Họ sẽ xét xem có xứng đáng hay không, có vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế hay không. Nếu mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh thì sẽ bị họ bác ngay.

Còn việc dẹp bỏ mê tin dị đoan trong thực tế thì cần có cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ VH - TT & DL, phải có các hình thức xử phạt, cưỡng chế. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam  không phải là cơ quan quản lý nhà nước, mà nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho quốc tế hiểu, làm thế giới thấy nó đẹp và để nó được công nhận.

Xin cảm ơn ông.

Buổi trình diễn này cũng là món quà đặc biệt chia tay với bà Katherine Muller-Marin, Giám đốc Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam, người được mệnh danh là “Người đàn bà di sản” với nhiều đóng góp lớn cho việc tôn vinh văn hóa Việt. Sau buổi diễn, bà đã hết sức cảm kích trước món quà tuyệt vời này mà Việt Nam đã dành cho bà trước khi rời Việt Nam vào tuần tới.