> Năm 2013: Chưa đưa Luật Biểu tình vào chương trình nghị sự
> Tác giả Tứ đại ngu: Luật Biểu tình 'không lý do gì nôn nóng'
Dân “gánh” hơn 20 loại giấy tờ
Tờ trình về Dự án Luật Hộ tịch được Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước UBTVQH chỉ ra Luật Hộ tịch tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tăng cường quản lý dân cư một cách chính xác, công khai. Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều được đăng ký, bao gồm: Khai sinh, kết hôn, ly hôn, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, khai tử…
Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật này, Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý cho rằng Bộ Tư pháp cần làm rõ nội hàm hộ tịch, hộ khẩu. Hiện nay, hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý, hộ khẩu do Bộ Công an quản lý, việc này dẫn đến việc phải đầu tư nhân lực, vật lực, cho cả hai hệ thống, vì vậy cần nghiên cứu tránh sự chồng chéo gây lãng phí cho nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng Luật phải đạt được kỳ vọng giảm bớt được các loại giấy tờ mà công dân phải “mang vác” trong suốt cuộc đời mình. Nếu không Luật này sẽ chỉ tạo thêm người, thêm việc, thêm thủ tục.
“Việc bố trí hộ tịch viên tại 11 nghìn xã sẽ tăng thêm 11 nghìn biên chế, Bộ Tư pháp đã đánh giá tác động của việc này tới gánh nặng ngân sách, tới chủ trương tinh giản biên chế chưa?”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo lắng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý quản lý chồng chéo giữa hộ tịch và hộ khẩu sẽ gây phiền cho người dân vì vậy cần phát triển Luật Hộ tịch có khả năng bao gồm cả hộ khẩu. Và phát triển số định danh cá nhân để thay thế các loại giấy tờ khác như CMND, hộ chiếu…
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đã xây dựng và quyết tâm thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có lộ trình từ 1/1/2016 và tới 2020. Dự án Luật Hộ tịch nằm trong lộ trình này và là cơ sở pháp lý để thực hiện số định danh cá nhân.
Về vấn đề hộ tịch, hộ khẩu và hợp nhất các giấy tờ như CMND, hộ chiếu, theo ông Cường, Bộ đang rà soát do việc này liên quan tới nhiều luật khác nhau như Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Quốc tịch Việt…
Không đồng tình với lý giải này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chỉ ra từ tháng 11/2012 tới nay, nhiều vấn đề được UBTVQH đặt ra vẫn không được giải quyết. Vì vậy Bộ Tư pháp nên chuẩn bị lại dự án Luật trên cơ sở giải đáp các khúc mắc mà UBTVQH đặt ra.
Nghĩ hết lẽ để người dân nhẹ nhàng hơn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu lại việc dự án Luật Hộ tịch đã bị UBTVQH gác lại vào cuối năm 2012 cùng với những khúc mắc như trên.
Lần này Bộ Tư pháp trình lại, nhưng vẫn chưa giải đáp được câu hỏi hiện nay một người dân phải mang bao nhiêu giấy tờ tùy thân, sau khi có Luật Hộ tịch còn lại bao nhiêu? Số cửa hành chính người dân qua có bớt không? Liệu Luật này có thay thế hay bao gồm các Luật Hôn nhân và Gia đình, Quốc tịch Việt, Nuôi Con nuôi?… Chủ tịch Quốc hội gay gắt đặt hàng loạt câu hỏi.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng dù vấn đề hộ tịch không phải mới mẻ, nhưng Bộ Tư pháp chưa lý giải một cách thuyết phục việc nâng lên thành Luật sẽ mang lại những lợi ích gì trong quản lý nhà nước và giảm tải gánh nặng nào cho người dân.
Thay mặt UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp làm lại dự án Luật Hộ tịch một cách kỹ lưỡng, đặc biệt phải trả lời cụ thể câu hỏi sẽ bớt được bao nhiêu loại giấy tờ cho người dân.
“Cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án luật, đặc biệt nghĩ hết lẽ để người dân nhẹ nhàng hơn. Đừng để luật ban ra không thực hiện rồi lại nói luật không khả thi. Như việc ghi tên cha mẹ trong chứng minh thư, đưa ra rồi lại rút về vừa lãng phí, lại bị dư luận phản đối”. Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
20 loại giấy tờ cá nhân
Hiện nay, mỗi công dân sở hữu tới 20 loại giấy tờ cá nhân, mỗi loại giấy tờ đều có số khác nhau, như Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Hộ khẩu, Thẻ bảo hiểm y tế, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu phổ thông, Hộ chiếu công vụ, Hộ chiếu ngoại giao, Sổ bảo hiểm xã hội, Giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ, quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước…