Ấn tượng cách điểm danh
Là một trong những hoạt động của "Ngày hội tân sinh viên 2012 - Vững bước tương lai", sáng 28-9, chương trình giao lưu có chủ đề “Nghị lực và bí quyết thủ khoa” đã được Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội và Công ty CP MH phối hợp tổ chức.
Góp mặt trong chương trình là thủ khoa “kép” Nguyễn Thị Thủy Dung (Đại học Ngoại thương) và các thủ khoa đầu vào kỳ thi tuyển sinh năm 2012 là Trần Thị Hạnh, ĐH Ngoại thương), Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội) và Đỗ Thị Loan (ĐH Nông nghiệp).
Tại buổi giao lưu, các thủ khoa đều chia sẻ những ngày đầu bước chân vào giảng đường với danh hiệu Thủ khoa vừa cảm thấy vinh dự vừa có áp lực. Thủ khoa Đỗ Thị Loan bộc bạch : “Những ngày đầu khá bận rộn. Khi mọi người biết em là thủ khoa, mỗi lần xuất hiện đều bị nhiều ánh mắt đổ dồn vê phía mình, em thấy mọi hành động của mình đều như bị ‘soi’ nên có phần không thoải mái cho lắm. Nhưng sau này, em cũng quen rồi”.
Cùng với áp lực, như nhiều bạn trẻ mới bước chân vào đại học, các thủ khoa ít nhiều bỡ ngỡ trước môi trường mới đòi hỏi mỗi người phải năng động, bản lĩnh hơn. Và họ đang cố gắng làm quen bắt nhịp. Đỗ Thị Loan (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) chia sẻ “Em cũng đang cố gắng thích ứng với môi trường mới. Khi học ở trường, em thấy run khi phải đứng phát biểu trước đám đông. Ở đại học đòi hỏi sinh viên phải chủ động tìm tòi, không được hướng dẫn cụ thể như hồi phổ thông”.
Khối lượng kiến thức, những môn học, kinh nghiệm tìm tài liệu tham khảo, không gian học… cũng khiến các bạn lạ lẫm . Như thủ khoa Trần Thị Hạnh cho biết: “Khó khăn đầu tiên là trong chương trình đại học có một số môn học khác hẳn so với phổ thông, ví dụ Mác Lê nin, pháp lý, những môn này khá khô khan và khó hiểu, bởi mình đang quen với tư duy học phổ thông - tư duy logic nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu những kiến thức mới lạ này”.
Môi trường mới, các bạn trẻ đã có kỷ niệm nơi giảng đường đại học. Với Trần Thị Hạnh đó là cách gọi tên của giảng viên. “Ấn tượng đầu tiên của em về cuộc sống sinh viên khá thú vị, đó là các thầy cô gọi sinh viên bằng số thứ tự trong danh sách, thay vì tên thật. Điều này khiến em khá hụt hẫng, bởi đối với mỗi người, tên mình là một âm thanh hay nhất” - Thủ khoa Trần Thị Hạnh.
Từ đó, cô bạn này cho rằng mỗi sinh viên cần có sự tự lập cao, luôn phải biết tự học hỏi, nỗ lực, hoàn thiện mình, như vậy mới tránh được việc bị “chìm” trong môi trường đại học.
Đối với các bạn trẻ, đại học là bước khởi đầu của chặng đường lập thân lập nghiệp của bản thân. Thành tích Thủ khoa “đầu vào”, rồi đến “đầu ra” là hành trang, mục tiêu để động viên khích lệ họ phấn đấu hơn trên mỗi bước đường. “Trở thành thủ khoa đầu vào chỉ là bước khởi đầu cho cả một chặng đường dài trước mắt. Và thủ khoa đầu ra cũng là một ước mơ mà em muốn vươn tới, tuy nhiên để chinh phục được nó hay không thì còn là cả một quá trình nỗ lực không ngừng” - Trần Xuân Bách chia sẻ.
Cùng suy nghĩ như Xuân Bách, Trần Thị Hạnh cho rằng: “Trong học tập, quan điểm của em đối với ai cũng vậy, không có gì là khó khăn. Đừng để nỗi sợ hãi và lo lắng chi phối mình. Em sẽ dành thời gian nhất định để làm quen với môi trường mới, đặt mục tiêu cụ thể trong những năm học, sau đó sẽ nỗ lực không ngừng để hoàn thành mục tiêu mà mình đã đặt. Em tự tin là mình sẽ tiếp tục kết quả học tập cao trong suốt quá trình học đại học”.
“Thanh nam châm” hoàn thiện bản thân
Không chỉ học tập, để hoàn thiện được bản thân hơn, các bạn trẻ cho rằng cần gắn mình vào những hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ. Với suy nghĩ môi trường nhóm, câu lạc bộ sinh viên sẽ giúp hoàn thiện bản thân, Thủ khoa Trần Thị Hạnh cho hay: “Các hội nhóm và câu lạc bộ là điểm thu hút rất lớn đối với em khi bước chân vào Đại học ngoại thương. Nó được ví như một thanh nam châm khiến cho em bị “hút” lại gần ngay từ những ngày đầu tiên.
Hiện tại em đang trong quá trình dự tuyển, hi vọng thời gian tới em có thẻ trở thành thành viên của các câu lạc bộ này, Hạnh nói.
Những hoạt động cung cấp kinh nghiệm cho bản thân và thắp cháy những nhiệt huyết. “Em nghĩ mình còn trẻ, và còn rất nhiều nhiệt huyết, đam mê cho con đường mà em đang theo đuổi. Và những nơi vùng sâu vùng xa còn cần sự nhiệt huyết đó của mình hơn rất nhiều”. Đó là câu trả lời của Xuân Bách khi được hỏi có sẵn sàng mang kiến thức học được ở trường đi phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa.