Nghệ sĩ Hà Nội mê hẻm Sài Gòn

15 năm vào TPHCM lập nghiệp cũng là 15 năm Trần Việt Đức chụp ảnh về ngõ Sài Gòn. “Người ta chỉ thấy một Sài Gòn hoa lệ ngoài mặt phố mà ít ai biết một thế giới khác nằm trong ngõ tối” - Trần Việt Đức nói.
Hẻm Sài Gòn lúc ban mai Ảnh: Trần Việt Đức

Trần Việt Đức sinh ra lớn lên ở phố cổ Hàng Bông, Hà Nội. Anh là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh tự do xông xáo vào những năm 2000. Trần Việt Đức đã được mời chụp ảnh Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ lịch sử. Gặp lại Trần Việt Đức tại TPHCM, anh nói: “Tôi để lại kho phim ở phố Hàng Bông và vào TPHCM. Cuộc sống ở đây đầy màu sắc, tôi miệt mài chụp”.

Đam mê không bỏ một ngày
Trần Việt Đức từng chụp phóng sự ảnh cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị rất nhiều, đến mức người ta xem phóng sự ảnh như một “chuyên mục” của Trần Việt Đức vậy. Giờ đây, khi các báo giấy đã ngày càng thu hẹp và phóng sự ảnh gần như không còn xuất hiện, người phóng viên ảnh năm xưa vẫn giữ nguyên đam mê: “Tôi chụp ảnh bằng điện thoại và đưa lên facebook. Tôi làm triển lãm cá nhân và triển lãm cùng các đồng nghiệp.
Lịch làm việc của chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội là thức dậy từ năm giờ sáng, chạy chiếc xe máy cà tàng đem vào từ Hà Nội, vừa đi vừa chụp ảnh. “Tôi chạy xe rất là chậm, vừa chạy vừa quan sát và chụp ảnh”. Sau đó, anh chở con đi học, rồi tiếp tục chụp ảnh. Trưa đón con từ trường về nhà, ăn cơm xong đưa con lại trường, rồi tiếp tục chụp ảnh!
Để minh chứng cho đam mê chụp ảnh phóng sự, Trần Việt Đức mở điện thoại cho tôi xem những bức ảnh chụp mỗi ngày trong máy, đó là những trận mưa, những con đường ngập nước, những con phố cũ. Sáng sớm hẹn cà phê cùng tôi ở bờ kè thì tờ mờ sáng anh đã vòng qua quận 5 chụp ảnh một chiếc cầu thang cũ kỹ từ trước năm 1975. “Bức ảnh này phóng to sẽ rất đẹp” - tác giả khoe.
Trước đó mấy ngày, anh chụp Thủ Thiêm với những căn nhà nghèo nằm phía sau khu đô thị mới. Cảnh người dân quận 2 đi xe máy giữa biển nước. “Cái máu chụp ảnh phóng sự vẫn còn nguyên, nên trời mưa người ta vào trú hết thì mình lại xông ra chụp ảnh”.
Nỗi niềm ngõ
“Sài Gòn có vô số ngõ và trong đó là một cuộc đời thực, không màu mè son phấn. một cuộc sống muôn màu, Trần Việt Đức hào hứng “Thành phố có lúc nom vắng vẻ lắm, nhưng bất chợt con người và cuộc sống từ trong ngõ tuôn trào ra như dòng thác vậy! Tôi nghĩ sức mạnh và năng lượng của thành phố này thực ra nằm trong các ngõ”.
Đức tìm thấy trong ngõ những người mẹ già, những ông bố tàn tật, những đứa con xăm trổ cũng với những tà áo dài tha thướt, một vài quán ăn khuya, những người nghệ sĩ lang thang và đôi khi là cả những cô “móng đỏ”. “Tôi thường chụp ảnh bằng điện thoại di động. Tôi cảm thấy mình nên chụp cuộc sống trong sự tự nhiên nhất của nó, trong sự gần gũi, cận cảnh nhiều nhất có thể”.
Bí quyết chụp ảnh ngõ, chụp phóng sự của Trần Việt Đức là phải chụp nhiều, để mình trở thành một phần của cái ngõ nhỏ: “Thường mỗi ngày tôi chỉ chụp một ngõ thôi. Tôi ở đó lỳ suốt từ sáng đến chiều, trong những quán cóc. Khi mọi người đã quen tôi, tôi cũng không cảm thấy xa lạ với họ nữa, khi đó tôi chụp được rất nhiều. Giữa tôi và cái ngõ ấy không còn mặc cảm xa lạ hoặc nghi ngờ gì nữa, tôi thành một con người trong số họ. Người ta coi tôi như người thân vậy”.
Chàng trai Hà Nội này đoạt học bổng và tu nghiệp về nhiếp ảnh tại Đức hơn một năm, lăn lộn trong buồng tối phóng ảnh tại Đức, làm triển lãm ở đó. Khá đam mê với công nghệ, nhất là máy điện thoại, song Trần Việt Đức vẫn yêu thích phóng sự ảnh với những hình ảnh chân thực về cuộc sống, một cuộc sống không dàn dựng.
“Nói tới nghệ sĩ nhiếp ảnh, người ta thường nói tới nghề chụp cho các diễn viên, nghệ sĩ, chụp chính khách doanh nhân, chụp các sự kiện với thu nhập rất cao. Còn nghề chụp phóng sự ảnh của tôi thì không có tiền, thậm chí bỏ tiền túi ra chụp. Một phóng sự ảnh chụp công phu, cũng chỉ được độ 400.000 đồng thôi. Nhưng tôi chỉ thích chụp phóng sự!” - anh chàng lãng tử phố Hàng Bông tâm sự. “Đôi khi tôi thấy tôi giống như những nghệ nhân trong các ngõ tối, cả đời chỉ biết làm một công việc công phu tỉ mỉ”.

 Nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức, 9/2019. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Rác thải nhựa
Cuốn sách ảnh rất điển hình của Trần Việt Đức là: “Ăn vặt Sài Gòn”. Trần Việt Đức không thuyết phục người xem bằng những cô người mẫu xinh đẹp hay những sự kiện to lớn. Chỉ bằng cách chụp các gánh hàng ăn vặt, Đức cũng có thể làm ra một cuốn sách ảnh bán chạy.
Đức đã có một số triển lãm về cuộc sống thường nhật trong các ngõ hẻm. Anh thường chia sẻ các tấm hình trên trang mạng cá nhân. Chính việc người xem trên mạng đánh giá, bình phẩm cũng giúp anh rất nhiều trong việc tìm kiếm cảm hứng và đề tài. Nhiếp ảnh gia Hà Nội kể: “Nhiều người thích thú các tấm hình chụp về ngõ ngách Sài Gòn của tôi. Thậm chí, có người còn liên lạc tặng tôi một chiếc máy ảnh trị giá khoảng 2.000 USD sau khi xem các tấm hình. Tôi rất cảm động vì chiếc máy ảnh này có thể chụp được trong lúc trời mưa, mà trời Sài Gòn lại rất hay mưa!”.
Trần Việt Đức cho biết anh sắp triển lãm chung với các bạn của mình tại Hà Nội với chủ đề rác thải nhựa. “Đi đâu tôi cũng gặp phải rác thải nhựa. Nhiều năm nay tôi đã chụp về rác thải nhựa chứ không phải sắp triển lãm mới đi chụp”.