Vất vả tái hiện thanh âm xưa
Được tổ chức cùng thời điểm với Liên hoan âm thanh Hà Nội lần thứ 6 (HaNoi Sound Stuff Festival), chương trình “Nghe dạo Hà Nội” nhận được sự cố vấn từ nhà sử học Dương Trung Quốc, và nghệ sĩ Trí Minh mang đến cho giới trẻ cách tiếp nhận lịch sử bằng âm thanh.
Dự án do Josh Kopecek – tiến sĩ âm nhạc tại Đại học Manchester (Anh); Mathias Rossignol – tiến sĩ tin học tại Pháp và Đinh Lê Vân - nhân viên một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội thực hiện. Đây là một phần của dự án “Âm thanh địa phương - Locative Audio” diễn ra trong năm tại 11 thành phố trên toàn thế giới: Linz (Australia), Virginia (Hoa Kỳ), Avignon (Pháp), Oxford (Anh), Valencia (Tây Ban Nha)… Dự án được hỗ trợ bởi các trường đại học lớn ở nước ngoài và một số Viện văn hóa, ngôn ngữ trên thế giới.
Tiến sĩ Josh Kopecek, trưởng dự án “Nghe dạo Hà Nội” cho biết: “Tôi thực hiện dự án này xuất phát từ tình yêu Hà Nội. Khi thực hiện tái tạo những âm thanh lịch sử cách đây hàng thế kỷ, tôi thấy thú vị khi biết về những làn điệu hát xẩm, hát ả đào hay chầu văn…”
Để có được những âm thanh chất lượng, TS. Josh cùng Đinh Lê Vân và TS. Mathias đã tham khảo ý kiến ông Dương Trung Quốc để biết ở những con phố nào thì có nguồn âm thanh gì, lấy từ đâu, trong giai đoạn nào thì hay nhất.
Nhóm đã gặp người dân phố cổ, phỏng vấn họ, tìm đến Cục văn thư lưu trữ, Trung tâm phim tài liệu và thử nghiệm Video (DOCLAB), để có được những âm thanh cổ nhất.
Âm thanh được chỉnh lại, kết nối tạo thành một chuỗi âm thanh rồi đẩy lên hệ thống mạng kết nối GPS để người dùng Iphone hoặc thiết bị sử dụng hệ điều hành Android có thể nghe thấy được âm thanh khi dạo trong phố cổ.
Việc thu âm thanh khá kỳ công. Nhóm đã thu tiếng lửa bằng cách đốt lên một đống lửa lớn, nhưng cái khó là phải trong nơi tĩnh để tránh tạp âm. Nhưng đốt giấy hay củi ngoài trời đều không thành công, âm lượng rất yếu.
Cuối cùng, họ phải tìm đến nhà người quen ở ngoại thành Hà Nội có lò sưởi theo kiểu Châu Âu để thu âm. Trong quá trình thu, việc điều chỉnh lượng củi cho thích hợp mất khá nhiều thời gian và còn xảy ra vài tai nạn nhỏ.
Việc thu tiếng chuông cũng gặp không ít khó khăn. Người ngoài nghề tưởng chỉ việc đi ra chùa Quán Sứ hoặc chùa Trấn Quốc thu là xong. Nhưng hóa ra thu như vậy vẫn có rất nhiều tạp âm. Vật vã mãi, cuối cùng phải đến ngôi chùa ở Chương Mỹ, Hà Tây và phải thu âm vào đúng 12h đêm!
Đinh Lê Vân kể một chuyện thú vị. Qua tìm hiểu, nhóm được biết Hà Nội xưa có những tiếng rao “Đổ thùng đi”. “Chúng tôi rất tò mò. Hỏi ông Dương Trung Quốc thì biết đó là tiếng rao đêm cách đây 50 năm để xin lấy phân bón cho cây. Chúng tôi thực sự muốn tạo ra âm thanh đó nhưng không còn ai làm nghề này nữa”. Ngậm ngùi, Vân kể tiếp: “Với ca trù, không tìm được những âm thanh cổ cách đây 80 năm - 100 năm, chúng tôi tìm những bản CD sao chép lại từ đĩa than, tuy nhiên âm thanh vẫn không đảm bảo, chúng tôi đành từ bỏ”.
“Nghe dạo Hà Nội” tạo ra chuỗi âm thanh, có thể là hồi ức của một cá nhân, các cuộc trò chuyện của người dân phố cổ, mô phỏng một loại hình nghệ thuật hay tái hiện một thời điểm lịch sử cách đây gần một thế kỷ.
Nghe và tưởng tượng
Buổi “Nghe dạo Hà Nội” chiều 13/4 bắt đầu tại Nhà thờ Lớn và kết thúc ở chợ Đồng Xuân với lịch trình trong bán kính 3km quanh phố cổ; thời gian đi trong khoảng 60 - 90 phút qua nhiều con phố. Người tham dự được hướng dẫn cài đặt phần mềm bản đồ và tải kho âm thanh xuống thiết bị của họ.
Sau khi tải xong, chế độ GPS được bật, người tham dự sẽ vừa đi vừa nghe âm thanh đã được định vị sẵn tại từng vị trí trên bản đồ. Tùy theo tốc độ và vị trí của người đi dạo, họ sẽ được nghe thấy từng chuỗi âm thanh lịch sử, đặc trưng trên con phố đó.
Chương trình nhận được đăng ký tham gia của hơn 90 người, trong đó có những em khiếm thị và người nước ngoài. Các thành viên chia nhóm từ 3-5 người và được hướng dẫn đi trên từng cung đường và nghe được âm thanh khác nhau. Trong cuộc đi dạo người nghe được trải nghiệm giữa hai luồng âm thanh từ quá khứ và hiện tại đã và đang diễn ra ngay tại con phố đó.
Bùi Hoàng Yến, 20 tuổi ở Phố Vọng, Hà Nội cho biết, cô thấy rất thú vị với chuỗi âm thanh biến đổi. Dương Bùi Khánh Linh, lớp 5C Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Em rất vui khi được nghe tiếng Hà Nội ngày xưa rất yên bình qua tiếng tàu điện leng keng, tiếng đàn bầu, tiếng trẻ con reo hò, tiếng thủy tinh va đập vào nhau… Khi nghe tiếng tàu điện, em tưởng tượng ra chúng nhưng không biết ở ngoài đời chúng có như suy nghĩ của em không...”.
Là tình nguyện viên hướng dẫn các em khiếm thị, Trần Thanh Mai, 20 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết, cô thực sự cảm động khi thấy các em khiếm thị nghe và ríu rít kể lại cảm nhận của mình.
Nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích: “Hà Nội là thủ đô của đất nước, là cái nôi của văn hóa. Vì vậy, âm thanh cũng là một phần trong tinh hoa đó. Bản thân âm thanh là một phần ký ức. Ký ức là lịch sử nên phải được
gìn giữ”.