Nghệ An là một trong số các tỉnh có nhiều sông ngòi. Cả tỉnh có 14 con sông với gần 1.000 km giao thông đường thủy, bao gồm 114 km do Trung ương quản lý, địa phương có 129 km và 757 km do huyện nơi địa bàn có sông đi qua quản lý, khai thác.
Việc đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng và quản lý các mặt trên lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Trong số 800 phương tiện thủy hoạt động, chỉ có 53% được đăng ký, 114 bến đò ngang chỉ có 28 bến đò có giấy phép hoạt động, số còn lại là tự tiện mở bến đò hoặc chỉ xin ý kiến xã bằng lời mà không có văn bản, giấy phép.
Đáng lo nhất là cùng với phương tiện không được đăng ký quản lý thì người điều khiển các đò ngang chở khách cũng hoạt động theo kiểu tự phát mà không được đào tạo kỹ thuật, học tập luật lệ giao thông đường thủy. Trong tổng số 242 người lái đò ngang, chỉ có 184 người được cấp chứng chỉ chuyên môn, còn lại chưa được đào tạo, tập huấn, sát hạch.
Trong đợt kiểm tra phương tiện giao thông đường thủy trước mùa mưa lũ vừa qua, tại 62 bến đò trên tuyến sông Lam, sông Giăng, sông Con, đoàn kiểm tra liên ngành xác định chỉ có 30% số bến đò đủ tiêu chuẩn đón khách.
Trên sông Lam, đoạn từ Bara Đô Lương đến cầu Tri Lễ có đến 8 bến đò, nhưng chỉ có 2 bến đạt tiêu chuẩn đón khách. Các phương tiện hầu hết không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; nhiều phương tiện mục nát, quá thời hạn sử dụng, không có phao cứu sinh, không có phương tiện thông tin tín hiệu cấp cứu.
Đặc biệt, sau cơn mưa lũ lớn đầu tháng 10 trên Sông Lam, ở phía thượng nguồn, đoạn thuộc địa phận 2 huyện Tương Dương, Con Cuông có đến 6 cầu treo bị nước lũ cuốn trôi, nay tạm thay thế cho cầu là 11 bến đò hàng ngày đưa đón hàng trăm lượt học sinh đi học qua sông, cùng hàng trăm lượt dân hai bờ qua lại sản xuất, buôn bán. Nỗi lo an toàn cho các bến đò này vẫn đang là vấn đề thường trực đối với người dân.
Đã đến lúc các ngành chức năng của Nghệ An cần quan tâm đến sự an toàn cho người dân trên tuyến giao thông quan trọng này.