Theo báo cáo, hiện toàn tỉnh Nghệ An có 3.845 phương tiện/18.556 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản. Tính đến 10h (ngày 14/9), số phương tiện đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An là 2.716 phương tiện/6.217 lao động; phương tiện đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung là 259 phương tiện/2.061 lao động.
Nghệ an có trên 625 hồ đập lớn nhỏ, hầu hết đầy nước, nếu mưa lớn thì các hồ chứa rất nguy hiểm; trên địa bàn có 13 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác.
Về nông nghiệp, lúa hè thu đã thu hoạch được 37.579 ha/ 58.811 ha, lúa mùa đã thu hoạch được trên 9.474 ha/37.579,85 ha; 2.726 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch trong tổng số 20.758 ha; có 696 lồng nuôi cá trên sông, hồ đập mặt nước lớn, đã thu hoạch 22 lồng.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các địa phương và ban, ngành tổ chức trực đầy đủ 24/24h, theo dõi sát diễn biến của cơn bão và tình hình mưa lũ, tăng cường thông tin đến các cấp chính quyền và người dân để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không được có tư tưởng chủ quan. Kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm. Lực lượng công an, bộ đội sẵn sàng làm nhiệm vụ…
Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường phát biểu: “Trong vấn đề sơ tán người dân, đảm bảo an toàn, các huyện miền núi phải lưu ý những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; các huyện và thị xã ven biển đề phòng nước biển dâng, ngập úng ở vùng trũng. Chủ động phương án hỗ trợ các hộ dân vừa bị thiệt hại do bão số 3, số 4 và lũ lụt cuối tháng 8 vừa qua; không để nhân dân bị đói, rét".