Ngày Thơ VN : Thả thơ, trồng thơ và… hét thơ

TP - Sáng tháng Giêng, ngày Rằm. Quầy bán vé Văn Miếu (Hà Nội) chật ních người. Hôm qua (3/3), du khách chỉ mất 5000 đồng - vừa được thăm di tích, vừa được tham dự Ngày thơ. Bãi gửi xe chính quá tải. Cỏ Văn Miếu được một phen rạp mình vì (khách) thơ.

Đỏ rực quanh sân Thái Miếu là hàng chục quả bóng bay cỡ lớn, mỗi quả “cõng” đôi câu thơ- do các thiếu nữ mặc áo dài đỏ của trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nắm khư khư. Các em phải giữ thơ liên tục mấy giờ đồng hồ cho đến khi 50 câu được coi là hay nhất thế kỷ XX được lệnh cất cánh.

Mở hàng cho Ngày thơ là Nhớ Bắc của Huỳnh Văn Nghệ: Ai về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông đất Lạc Hồng/ Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long. Đọc thơ và hát ca khúc phổ thơ đều do giảng viên, sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội “thầu” cả.

Nếu màu chủ đạo của sân  thơ già là đỏ băng rôn thì sân trẻ là xanh nõn. Phông màu lá điểm hoa vàng. Hai bên là những cây thơ được tạo thành từ các lá poster, mỗi nhà thơ được độ 2 lá để giới thiệu nhân thân và tác phẩm.

Hàng bên phải trên sân Thái Học là 15 gương mặt trẻ được xếp vào “xóm liều”. Người đưa ra khái niệm này giải thích: “Ngày nay chọn sự nghiệp làm thơ là một sự liều”.

Có ngay dẫn chứng trên lá của Lê Thiếu Nhơn cạnh đấy: “Cả 4 tập thơ của tôi in ra đều lỗ vốn trầm trọng, nhưng mỗi câu thơ hiện ra trên trang giấy giúp tôi cảm thấy mình vẫn còn tồn tại trên đời này”.

Khẩu hiệu của nhà thơ này là Không buông tha thơ! Một số nhà thơ khác được giật tít Mồ hôi thơ - Lê Đạt, Tuổi trẻ phải lòng muôn hải lý - Trần Dần, Tôi đứng về phe nước mắt - Dương Tường, Không dừng lại, không dừng lại, chết cũng không dừng lại - Nguyễn Lương Ngọc...

Đông đảo người yêu thơ đã đến tham dự Ngày thơ Việt Nam  Ảnh: Hồng Vĩnh

Phần tự giới thiệu của Nguyễn Thúy Hằng có lẽ là ngắn nhất và hiệu quả nhất.

Hằng cho biết: “Đang tìm cách sống ở Hà Nội, cố gắng thích nghi với mùa đông” nhưng “chưa tìm được nhà thuê ổn định”, kèm theo ảnh chụp toàn thân khăn áo xù xụ chiếm toàn bộ lá thơ.

Trong khi nhiều nhà thơ thường tận dụng diện tích lá để trích ngang lý lịch và đưa bộ ảnh lưu niệm từ bé đến lớn.

Cũng có nhà thơ dùng poster để làm chỗ phát biểu quan điểm. Chẳng hạn Inrasara nghĩ về tác giả trẻ, trong đó nhà thơ chia các nhà thơ, nhà văn ra thành 4 nhóm.

Đó là: Phục vụ (nhắm vào đối tượng độc giả nhất định bằng các best-seller...), Nhai lại (chiếm số đông trong giới viết lách...), Ký sinh (những người thỉnh thoảng viết văn làm thơ, còn thường thì viết báo...) và Sáng tạo (những người yêu văn chương đúng nghĩa, làm nên diện mạo văn chương mới của Việt Nam...). 60 poster thú vị và công phu này- được Ban Văn trẻ thực hiện từ tháng 8/2006.

Hình như không có mặt trên các cây thơ, nhưng Bùi Thị Tuyết Mai từ Mường Mừ (Hòa Bình) đã tự trồng cho mình một cây độc đáo. Chị hái 600 lá trầu từ vườn nhà và cũng chừng ấy cau đến đây để têm trầu và mời trầu.

Để chiêu trầu, bên cạnh có hũ rượu cần. Anh nào trêu ghẹo, chị sẽ nói: “Em bắn cho đấy! Có nỏ đây này.” Thực ra, chị mang theo nỏ chỉ là để “khỏi bị lạc hồn lạc vía giữa chốn kinh kỳ kẻ chợ” mà thôi!

Nhà thơ trẻ Dương Anh Xuân trong phần giao lưu với MC Dạ Thảo Phương  Ảnh: Hữu Việt

Và hét thơ

Một điểm nữa làm nên sự khác biệt là ở sân thơ già, các nhà thơ đọc thơ trong tiếng oóc, còn sân trẻ đọc vo - bù lại có phần chat khá rôm rả. Nhạc sĩ Ngọc Đại cũng lên nói thơ- ấy là khi ông giới thiệu những bài hát phổ thơ của mình, chẳng hạn với bài Đũa tre, ông phi lộ: “Đời sống giống như một cái chết bất tử...”.

Ba bài hát của Ngọc Đại sau đó được cặp song ca Linh Dung và Thùy Lâm trình diễn. Linh Dung là ca sĩ hát hụt còn Thùy Lâm được giới thiệu là cô giáo.

Đám trẻ (mặc đồng phục học sinh) ngồi dưới nhao nhao: “Cô nào là giáo viên?” vì cả hai cô đều cạo trọc (kiểu đầu này được giữ nguyên từ buổi trình diễn thơ Nguyễn Thúy Hằng lần trước) và đi xăng đan cao su giống nhau cả.

Họ vừa mở miệng là ai cũng phải... ngoái nhìn. Khẩu hình bẹt hơn Ngọc Khuê nhiều. Chẳng hạn “khong ca bác chan nào thực lòng ieo...” thì ai từng nghe Cây nữ tu do Trần Thu Hà hát mới dịch ra được (là không có bước chân nào thực lòng yêu).

Để tạo ra tiếng lạ, Linh Dung không ngại lấy hai ngón tay kẹp sống mũi. Trong khi Thùy Lâm “hát”, thì Linh Dung chạy quanh tu tu... như tàu hỏa vào ga.

Màn kết, Ngọc Đại đập chan chát vào thùng ghi ta trong tiếng hú hét, rên rỉ liến thoắng của hai cô gái. Tiết mục ấn tượng, không kể hết ra đây được. Bài đầu, khán giả vỗ tay rào rào.

Nhưng sau bài thứ ba còn ép phê hơn thì lại rời rạc. Được biết, Ngọc Đại còn đập tan cây đàn sau khi cùng hai cô trình diễn kiểu hát này ở buổi liên hoan tổng kết năm của Hội Nhạc sĩ...

Vì có phần của mình trong bài Hoa gạo, nên ngay khi bộ ba chưa rời sới, Phan Huyền Thư đã có lời: “Cảm ơn các bạn đã tặng cho thơ của chúng tôi một cách đọc mới. Mong các quý vị khán giả mọi thế hệ mở lòng ra tiếp nhận chúng tôi”.

Nguyễn Vĩnh Tiến mang 200 bài thơ in trên giấy A4 lên sân khấu và rút hú họa một bài (như kiểu bói Kiều) ra để đọc. Ai ngờ đúng bài Ma ngủ. Về sau anh thú thật: “Đâu muốn đọc thơ ma trên sân Văn Miếu!”.

Còn 200 tờ thơ là để phát cho fan. Anh vừa xuống khỏi sân khấu, các cô gái trẻ đã ùa tới... Bài hát Giọt sương bay lên do Nguyễn Vĩnh Tiến tự trình bày kết thúc phần trình diễn chính thức trong buổi sáng thơ tại sân trẻ.

Sau đó, sân khấu được dành cho người yêu thơ, nhưng chỉ được 3 người (một trong đó lại là nhà thơ Thanh Tùng), vì bộ phận âm thanh đã quá sức- làm việc từ 5 giờ sáng...

TPHCM: Đấu giá thơ

Đây là lần đầu tiên Ngày thơ tại TPHCM mang nhiều nét mới: Một không khí của ngày hội thật sự, chứ không lặng lẽ và tản mát như các năm trước. Sự “bắt tay” giữa Hội Nhà văn TPHCM  và Sở VHTT đã thổi “luồng gió” sinh động vào Ngày thơ lần 5.

Bốn vườn thơ: Thơ dịch, di sản, đương đại, thơ trẻ quy tụ lực lượng rất hùng hậu các gương mặt tiêu biểu của từng dòng thơ. Gương mặt trẻ có Ly Hoàng Ly, Lê Thiếu Nhơn, Phan Trung Thành, Ngô Thị Hạnh, Tú Trinh - Thục Linh. Lớp đi trước thì có nhà thơ Kiên Giang, Phan Nhật Chiêu, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Lương Hiệu …      

Bên cạnh các hoạt động ca, ngâm thơ Việt cổ, trung đại trong Vườn thơ di sản, một Game show thơ, chủ đề “Từ trong di sản” thu hút nhiều bạn trẻ cùng sinh viên các trường ĐH ở TPHCM tham gia.

Điểm nhấn của ngày thơ còn ở hai cuộc đấu giá thú vị: Bài thơ Cõi đời của nhà thơ Lê Thị Kim được mua với giá 4.500.000 đồng. Bài thơ Không đề của bà Nguyễn Thế Thanh - Phó Giám đốc Sở VH TT TPHCM  - được một Việt kiều Pháp mua với giá 2 triệu đồng, và ủng hộ thêm 3 triệu đồng. Tất cả số tiền này được gửi đến trẻ em nghèo hiếu học của huyện Cần Giờ.

Bà Nguyễn Thế Thanh nói: “Đây là lần đầu tiên ngày hội thơ TPHCM chuyển không gian từ trong nhà, mở rộng ra ngoài cộng đồng. Tôi hy vọng năm sau, Ngày thơ sẽ còn hay hơn, hấp dẫn hơn thế này nữa”.