Ngày Tết, đừng hỏi những câu 'nhảy xổ' vào đời tư

TP - Tết đến Xuân về, những người trẻ đang một mình sợ nhất câu hỏi: Bao giờ lấy chồng/lấy vợ?, “Bao giờ cho ăn kẹo?”. Có người không dám về quê chỉ vì mấy câu hỏi quan tâm đời tư thái quá ấy.

Một câu hỏi khác cũng khiến không mấy người muốn trả lời: Lương bao nhiêu?

Đã lấy chồng chưa? Đã lấy chồng chưa?...

Năm 2017, ca sĩ Bích Phương tung MV Bao giờ lấy chồng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn trẻ. Vì bài hát nói thay tâm trạng của họ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Chỉ trong vòng 10 ngày ra mắt, MV đã cán mốc 10 triệu lượt xem, tốc độ nhanh không kém Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP, đến nay Bao giờ lấy chồng đã cán đích 100 triệu lượt xem trên YouTube. Có người còn dự đoán view (lượt xem) còn tăng cao nữa vì ở Việt Nam, các bạn nữ từ sau khi tốt nghiệp đại học đã bắt đầu bị hỏi câu này. Mà số nữ từ 22, 23, 24 đến 30 tuổi chưa chồng đông lắm.

Người “độc thân vui vẻ” An Hằng

Một vài câu hát trong MV: “Đầu năm cùng cha mẹ đi mừng Tết ông bà/Cô chú ai nấy đều hỏi ế rồi à/Bạn trai đã có chưa sao chẳng dắt về nhà/Trời ơi một câu mà ai cũng hỏi vậy ta/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa/Đã lấy chồng chưa…”. Cứ sắp Tết MV Bao giờ lấy chồng lại được nhiều bạn trẻ “cày” để “vực dậy tinh thần”. Một tài khoản cảm ơn Bích Phương đã tung MV Bao giờ lấy chồng. Tài khoản này viết: “Sau này đám giỗ, các loại đám tiệc, 3 ngày Tết Nguyên đán chỉ việc bật nhạc Bích Phương”. Nhưng nhắc khéo các bà, các mẹ… bằng cách bật nhạc Bích Phương cũng không chắc đã được “tha”. Vì ở ta, mấy ai coi chuyện hỏi đời tư, hỏi tuổi tác là kém lịch sự, nên tránh?

Một bạn trẻ than dưới MV Bao giờ lấy chồng của Bích Phương: “Lại một Tết nữa sắp đến, vẫn bài hát ấy, vẫn câu hỏi ấy, có người yêu chưa? Lương bao nhiêu? Bao giờ lấy chồng?”. Ngọc Linh, sinh năm 1988, đang làm kế toán cho chuỗi dịch vụ ẩm thực có tiếng ở Hà Nội cho biết, chị rất khó chịu với mấy câu hỏi về chồng con và thu nhập: “Nguy cơ thất nghiệp đang treo trên đầu, cứ hỏi lương bao nhiêu. Thật là ám ảnh”. Không ít người trẻ đánh giá hai câu hỏi “muôn thuở” ở trên khiến Tết mất vui. Thậm chí có bạn trẻ cho rằng: “Đó là những câu hỏi vô duyên nhất”. Hoặc: “Những câu hỏi phổ biến ngày Tết mà chẳng ai muốn trả lời”.

Để chạy trốn khỏi những câu hỏi vô duyên ấy, Thu Huyền quyết định bỏ việc ở quê vào Nam lập nghiệp, Tết cũng không về nhà ở Hà Nam. Nhưng chị không thích nghi được với nhịp sống phương Nam nên lại lụi hụi dọn đồ ra Hà Nội, thuê nhà để sống, thỉnh thoảng chạy xe máy về quê thăm gia đình. Cha mẹ và người thân của chị dần hiểu ra, nếu cứ “tua đi tua lại” câu hỏi về chồng con chỉ càng làm khoảng cách giữa các thành viên trong nhà ngày càng xa cách. Trốn Tết chính là cách phản kháng của Thu Huyền và nhiều người độc thân trước áp lực hôn nhân. Hiểu được điều này, người thân của Thu Huyền thay đổi cách ứng xử, không còn thúc giục, hỏi han chị về chuyện chồng con. Từ đó, Thu Huyền siêng về quê đón Tết. Năm nay chị đã ngoài 40 tuổi và vẫn độc thân nhưng vui vẻ, không cảm thấy chạnh lòng như trước. Cứ 26 Tết, chị lại về quê. Năm nay cũng vậy. Người thân của chị thay vì hỏi bao giờ lấy chồng đã gom góp mua cho chị một mảnh đất ở quê, gần nhà cha mẹ, em trai để sau này hết tuổi lao động, chị trở về quê hương sinh sống, trái gió trở giời có người lo lắng, chăm nom.

Bán nhà vì những câu hỏi "khứa vào tim"

Đừng tưởng chị em mới bị ám ảnh bởi những câu hỏi xoáy sâu đời riêng. Khánh Toàn, 42 tuổi, ở Hà Nội đang trong cảnh chưa vợ, đã vậy lương không cao, dù anh có bằng thạc sĩ, công tác tại một viện nghiên cứu. Hỏi Khánh Toàn “tiêu” những ngày Tết thế nào? Anh đáp gọn: Chỉ ăn và ngủ. Anh là con độc nhất trong một gia đình có điều kiện. Cha mẹ của Khánh Toàn là những người đầu tiên khiến anh cảm thấy mệt mỏi với chuyện lập gia đình, đến mức anh từng lén lút thuê nhà để sống, không cho bố mẹ biết địa chỉ. Nhưng sau một biến cố về sức khoẻ, anh đã nhận ra chân lí: Chẳng ai có thể sống một mình như Robinson ngoài hoang đảo. Nếu không có cha mẹ tìm đến nhà trọ, dang tay che chở cho anh, anh không thể thoát ra khỏi biến cố ấy. Khánh Toàn đã trở về nhà được 3 mùa Tết Nguyên đán. Anh thấm thía nỗi khổ của cha mẹ. Mẹ anh kể: “Mấy cái Tết con không về nhà, khách đến nhà chúc Tết lại hỏi về con, người ta cứ hỏi bao giờ ông bà có cháu nội bồng bế?”. Những câu hỏi ấy khiến cha mẹ anh rất buồn, mất tự tin. Họ phải bán ngôi nhà đã gắn bó 20 năm, chuyển đến một nơi ở mới, với cư dân mới, mong không ai biết gì về gia đình mình mong thoát những câu hỏi khứa vào tim. Nghe mẹ trải lòng, Khánh Toàn không còn trách cha mẹ, anh đưa ra giải pháp: Tết Nguyên đán, bố mẹ đi du lịch. Còn anh đóng cửa ở nhà ăn và ngủ. Ngoài câu hỏi về vợ con, Khánh Toàn khó chịu với một câu hỏi khác, cũng hay được hỏi trong những dịp đoàn viên: Lương bao nhiêu? Anh tâm sự: “Câu hỏi được dùng như câu chào. Cứ gặp nhau lại hỏi về tiền bạc làm tôi rất khó chịu. Chắc vì lương của tôi thấp, chẳng có gì để khoe khoang chăng?”.

Cảnh trong MV Bao giờ lấy chồng của Bích Phương

Học tinh thần AQ?

An Hằng, sinh năm 1994, đang sống ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội) theo đuổi phong cách sống độc thân chất lượng. Thay vì tìm bạn trai có điều kiện tài chính để nương tựa, cô gái bước sang tuổi 31 nỗ lực kiếm sống tự thỏa mãn nhu cầu của mình và thong thả tìm “một nửa” phù hợp. Cô gái quê gốc Thái Nguyên, tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, dùng tiền kiếm được để trải nghiệm du lịch, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp, chăm lo cho người thân và tích luỹ, đầu tư kinh doanh. Năm nay, cô khám phá Sơn Đoòng, cưỡi lạc đà ở Mông Cổ và thưởng thức trọn vẹn màn biểu diễn của Lisa, Idol Kpop, trong lễ hội đếm ngược đón chào năm mới ở Thái Lan. Năm nào, cô cũng du lịch trong nước và nước ngoài vài chuyến nhưng đến Tết Nguyên đán lại trở về nhà sum họp. Hỏi An Hằng: Về quê ngày Tết, bạn có bị hỏi bao giờ lấy chồng không? Cô cười vui vẻ, đáp: Không bị hỏi mới là chuyện lạ. Cô cũng gặp câu hỏi: Lương bao nhiêu?

Thay vì buồn bã, An Hằng cố gắng nhìn sự việc với tinh thần tích cực: Người ta cũng vì quan tâm đến mình nên mới sốt ruột cho cái sự chậm lấy chồng của mình. Còn với câu hỏi về thu nhập, cô lại nghĩ: Chắc người ta không biết nói chuyện gì nên hỏi lương bao nhiêu cho có chuyện mà thôi! Cho nên, mình chỉ cần trả lời lòng vòng, người ta hiểu thế nào thì hiểu, đáp án thật thì giữ riêng cho mình. Theo cô, bạn trẻ độc thân đôi khi nên học tinh thần AQ để vượt qua những những ứng xử khiến bản thân chạnh lòng, không vui.

Năm nay được nghỉ Tết tới 9 ngày song cũng như mọi năm An Hằng chỉ dành 3 ngày sum họp gia đình. Mồng 4 Tết cô trở lại Hà Nội tiếp tục tận hưởng cuộc sống độc thân chất lượng mà cô xây dựng gần chục năm qua.