Ngày mai, tuyên án vụ vỡ đường ống nước sạch Sông Đà

TPO - Ngày mai (13/3), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án với 9 bị cáo trong vụ 18 lần vỡ đường ống nước sạch Sông Đà. Tất cả cùng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo tại tòa.

Nhiều lãnh đạo “thoát” khởi tố

Tại các ngày làm việc trước, kiểm sát viên nêu quan điểm về dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội, do Tổng Cty Vinaconex làm chủ đầu tư, xây dựng từ 2004 đến 2009. Quá trình khai thác, từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước Sông Đà đã bị vỡ 18 lần với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị hư hỏng.

Việc vỡ ống nước khiến đơn vị khai thác phải chi hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả; làm 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ hơn 1,7 triệu m3.

Nguyên nhân chủ yếu khiến vỡ ống do ống được sản xuất không đồng đều (có nhiều tật, rỗ, thiếu cát nhựa); nếu ống được sản xuất đúng thiết kế sẽ không thể xảy ra sự cố.

 Quá trình đối đáp quan điểm của kiểm sát viên, luật sư Trần Đình Triển nhắc lại việc CQĐT từng khởi tố các thành viên HĐQT Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Vũ Đình Chầm, Tô Ngọc Thành và 2 người có trách nhiệm tham mưu thuộc Vinaconex.

Tuy vậy, ngày 14/12/2017, VKSND Tối cao ra quyết định hủy các quyết định khởi tố trên. Hôm sau, ngày 15/12/2017, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố vụ án. Luật sư Trần Đình Triển đặt câu hỏi: “Trước khi ra cáo trạng một ngày mới có quyết định hủy bỏ, như vậy có vi phạm pháp luật hay không?”. Luật sư Triển cũng đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề trong vụ án.

Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn Khải - nguyên Phó GĐ Ban quản lý dự án Sông Đà cũng cho rằng vụ án còn nhiều điểm chưa được “động đến”. Ông Khải nói: “Đã mất nhiều thời gian để điều tra, điều tra bổ sung nhưng chúng tôi vẫn không thể nhận thức một cách rõ ràng chúng tôi phạm tội gì, phạm tội như thế nào? Tại sao cơ quan giám định không làm rõ đến tận cùng mà nói một cách nửa vời như vậy… Nếu chỉ dừng lại ở đây mà không điều tra tiếp thì nguyên nhân vỡ ống sẽ không bao giờ được làm rõ, những bị cáo ở đây sẽ không biết nói thêm gì và điều này sẽ đeo bám chúng tôi suốt cả cuộc đời”.

Bị cáo Trương Trần Hiển - nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban quản lý dự án Sông Đà cho rằng: “Về dự án, chúng tôi luôn tìm hiểu các sự cố đó là những gì? nguyên nhân tại sao? và cần tìm ra biện pháp để đường ống được vận hành hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, bị cáo e rằng, những lời trình bày của mình chưa được quan tâm một cách thấu đáo”.

Kiểm sát viên nêu quan điểm luận tội.

Đường ống áp dụng kỹ thuật mới

Cũng tại phần tranh luận, một số luật sư cùng cho rằng ống composite lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nên có những rủi do nhất định. Họ đề nghị HĐXX áp dụng Điều 25 Bộ Luật Hình sự năm 2015 “Rủi ro trong nghiên cúu , thử nghiệm , áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ” để tuyên: “Hành vi gây ra thiệt hại trong việc nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mặc dù đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không coi là phạm tội”.

Trả lời quan điểm trên, người giữ quyền công tố khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản nêu rõ ống composite không nằm trong danh mục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là có căn cứ”.

Ngoài ra, một số luật sư cho rằng thiệt hại trong vụ án là không có vì khi mất nước, người dân không phải dùng nước nên không phải trả tiền; 16,6 tỷ đồng khắc phục sự cố nằm trong quỹ dự trù của doanh nghiệp khai thác đường ống và doanh nghiệp không yêu cầu bồi thường….

Đáp lại, kiểm sát viên nói việc vỡ ống đã gây mất nước trong 386 giờ, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của 177.000 hộ dân; khiến đơn vị khai thác phải chi tiền khắc phục hậu quả… nên hậu quả của vụ án đã rất rõ.

Đường ống vỡ vẫn cho lãi khủng

Trước khi phiên tòa diễn ra, Tổng Cty Vinaconex đã có văn bản gửi các cơ quan tố tụng liên quan với nội dung khẳng định vụ án không hề có tham ô, tham nhũng, không vì mục đích cá nhân; đồng thời mong tòa đưa ra bản án hợp lý để khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm của Vinaconex và các doanh nghiệp khác nói chung.

Tại văn bản này, Vinaconex thông báo đã thu hồi toàn bộ vốn đầu tư của 43,6% vốn góp là 218 tỷ đồng và lãi 327 tỷ đồng trong khi vẫn sở hữu 51% vốn điều lệ. Ngoài ra, trong các năm 2015, 2016, mỗi năm Tổng Cty Vinaconex nhận 15% trong tổng số cổ tức (khoảng 76,5 tỷ đồng).

Mặc dù đã xảy ra sự cố đường ống, nhưng khi Tổng công ty Vinaconex thực hiện việc tái cấu trúc Cty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) lần hai, nhiều nhà đầu tư vẫn quan tâm đến dự án. Tháng 12/2017, Vinaconex đã tổ chức bán đấu giá thành công 25,5 triệu cổ phần của Viwasupco, thu hơn 1.017 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 762,5 tỷ đồng.

Như vậy, về hiệu quả kinh tế, việc đầu tư dự án nước sạch Sông Đà – Hà Nội đã mang lại lợi nhuận chỉ riêng cho Vinaconex đạt tổng cộng là 1.166 tỷ đồng chưa kể lợi nhuận từ hoạt động xây lắp.

Ngày mai (13/3), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án.