Nhiều dấu ấn
Tại “Tuần lễ Sách của Người làm báo”, bạn đọc có cơ hội gặp gỡ nhà báo - nhà thơ Lê Minh Quốc, tác giả của nhiều cuốn sách gây chú ý, đặc biệt là tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (giải C giải thưởng Sách Quốc gia năm 2020) và nhà văn - nhà báo Lại Văn Long với bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa được xác lập Kỷ lục Việt Nam năm 2022.
Lê Minh Quốc chia sẻ, kinh nghiệm viết sách của anh song hành với viết báo. Theo anh, nhà báo có nhiều thuận lợi trong việc tiếp xúc với nhiều giới, có nhiều mối quan hệ xã hội và bao giờ cũng sống trong tâm thế “săn tin” mỗi ngày. Khi thâm nhập thực tế, ngoài việc phải phản ánh nhanh cho kịp thời sự, nhiều nhà báo còn biết lưu giữ, tích trữ lại các thông tin đó để chọn lọc đem vào trang văn của mình.
“Tuy nhiên, có một khó khăn, theo tôi là quỹ thời gian cần phải có cho văn chương. Nhiều người đã ý thức như vậy nhưng rồi họ không thực hiện được cũng bởi bị cuốn theo dòng thời sự liên tục diễn ra. Kinh nghiệm của tôi vẫn là tuân thủ nghiêm khắc theo “thời khóa biểu” mà mình đã đề ra, có như thế mới đi được đường dài và viết được những quyển sách “ra tấm ra món”. Có thể nói nếu không viết báo, làm báo, tôi đã không có vài chục đầu sách. Đặc thù trong tác nghiệp của nghề báo đã giúp cho tôi rất nhiều, trong đó quan trọng nhất vẫn là tính kỷ luật. Phải viết mỗi ngày. Phải luôn suy nghĩ về đề tài mới, về cách tiếp cận bạn đọc… Có như thế, mới theo được nghề và không bị đào thải. Tất cả điều này đã ảnh hưởng và trở thành nếp nghĩ tích cực cho bất kỳ nhà báo nào khi viết sách”- Lê Minh Quốc chia sẻ.
Nhà báo - Nhà thơ Trần Tuấn (báo Tiền Phong) gửi tham dự hai cuốn sách Uống cà-phê trên đường của Vũ và Vượt qua tiểu thuyết. Theo Trần Tuấn, đây là 2 cuốn sách mang đậm dấu ấn nghiệp làm báo và anh muốn lưu lại cho nhiều người cùng đọc. Uống cà-phê trên đường của Vũ là cuốn bút ký về những miền đất, những miền tâm tưởng của anh trong suốt gần 30 năm đi và viết. Còn với cuốn Vượt qua tiểu thuyết là những ký sự nhân vật về những con người có cá tính, tính cách rất riêng, rất thú vị mà Trần Tuấn đã phát hiện ra trong quá trình làm nghề báo. Hai cuốn sách trên, mỗi cuốn mang một nét đặc thù khác nhau nhưng bổ sung cho nhau và là những tư liệu khá bổ ích cho các sinh viên đang theo học ngành báo chí.
“Tuần lễ Sách còn nhằm tôn vinh tài năng các nhà báo đã có sách xuất bản, qua đó gắn kết hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và xuất bản ngày càng bền chặt”.
Ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
“Tôi rất ủng hộ sáng kiến về việc xây dựng một sân chơi dành cho nhà báo viết sách. Tuần lễ Sách của Người làm báo sẽ là dịp để độc giả tiếp cận và đọc những cuốn sách do nhà báo viết, được tiếp xúc với tác giả để hiểu thêm về nghề báo. Các cuốn sách được các nhà báo chấp bút sẽ cho ra những góc nhìn rất thực tế về nghề, cộng thêm những kiến thức được học ở giảng đường, các sinh viên sẽ thu hoạch được những kinh nghiệm quý dành cho nghề nghiệp trong tương lai” - Trần Tuấn cho biết.
“Tuần lễ Sách hưởng ứng các đợt thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư và Hội Nhà báo Việt Nam phát động, đẩy mạnh và lan tỏa hơn nữa văn hóa đọc đến với công chúng, góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa tại TPHCM.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gửi tham gia Tuần lễ Sách hơn chục cuốn sách mà anh viết trong suốt cuộc đời làm báo. Trong đó, đáng chú ý là cuốn 40 năm đi, yêu và viết, kể lại chặng đường từ lúc bước chân vào nghề báo của anh. Cuốn sách gồm 4 phần: Con đường vào nghề; Những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích; Những bài viết lý luận báo chí; Những bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân… với sự lồng ghép, đan xen, phân tích các yếu tố tác nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Là một trong những cây bút phóng sự hàng đầu của làng báo Việt Nam, Huỳnh Dũng Nhân cho rằng cuốn sách hướng đến những người yêu thích nghề báo, mê phóng sự, các nhà báo trẻ, sinh viên báo chí... Đây là sách hồi ký nghiệp vụ nhưng không thiên về lý thuyết mà mang đậm yếu tố thực tiễn, những bài học nghiệp vụ và kinh nghiệm làm báo. Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch: “Từ khi bắt đầu bước vào nghề báo, tôi đã tự tặng cho mình câu slogan đi, yêu, và viết. Cuốn sách là sự tổng kết để tôi viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm nghề gần nửa thế kỷ qua”.
Ngày hội của các nhà báo
Theo ông Trần Trọng Dũng - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tuần lễ Sách của Người làm báo ra đời nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023) đồng thời hưởng ứng đợt phát động của Bộ Thông tin - Truyền thông về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Sự kiện này đặt mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong đội ngũ những người làm báo tại TPHCM cũng như hướng tới việc trở thành một hoạt động định kỳ, mang tính chuyên nghiệp để giới thiệu mảng viết sách của người làm báo tới bạn đọc. “Mục đích của chúng tôi là muốn giới thiệu đến công chúng TPHCM và cả những người làm báo về những tác phẩm hay, tác phẩm hấp dẫn do các nhà báo thực hiện. Các nhà báo đa số đều là những cây bút lão luyện đã thể hiện thông qua các bài viết trên báo, nhưng khi được thể hiện bằng sách, các cây bút ấy lại càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn và gây bất ngờ hơn với người đọc. Chính vì thế, Tuần lễ Sách dành riêng cho nhà báo giới thiệu sách sẽ tạo cơ hội để nhà báo quảng bá các tác phẩm sách của riêng mình”, ông Trần Trọng Dũng nói.
Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng từng là một nhà báo, cho biết: Tuần lễ Sách của Người làm báo lần đầu tiên tổ chức sẽ bao gồm các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách của các nhà báo, các tờ báo nhằm đưa đến những trang viết mang đậm hơi thở thời cuộc, gắn liền với dòng chảy thời sự từ chất liệu sống của chính những người làm báo. Bên cạnh đó, tuần lễ sẽ có nhiều hoạt động như giao lưu với các nhà báo lão thành, các nhà báo có nhiều tác phẩm hay, tổ chức trao Kỷ niệm chương cho các nhà báo có sách đoạt giải thưởng quốc gia…
“Chúng tôi coi đây là Ngày hội của những người làm báo vì thông qua các triển lãm, các buổi giao lưu, bạn đọc và các nhà báo có cơ hội giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm về viết lách. Những người quan tâm đến đời sống báo chí sẽ có dịp hiểu thêm công việc, đời sống của báo chí, các chất liệu tạo nên các cuốn sách do nhà báo chấp bút cũng như được tiếp cận với những cuốn sách của nhà báo, được biết thêm nhiều tác phẩm hay không xuất hiện trên các trang báo” - ông Lê Hoàng chia sẻ.