> Ngắm đường trên cao của Hà Nội trước giờ G
“Các đơn vị thi công đang chỉnh trang mặt đường, kẻ vạch sơn và cắm biển báo để đến 21-10 Bộ GTVT sẽ thông xe toàn tuyến như kế hoạch”, ông Hoa nói.
Theo đại diện PMU Thăng Long ĐTC Mai Dịch - Bắc Linh Đàm là dự án đường Vành đai 3 giai đoạn 2 với tổng chiều dài 8.912m với 3 gói thầu.
Ngoài gói thầu số 3 (đoạn Bắc Linh Đàm - Thanh Xuân) đã thông xe thì gói 1 (đoạn Mai Dịch- Trung Hòa) và gói 2 (đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân) sau hơn 1 năm thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Sau khi thông xe, toàn bộ ĐTC sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, tổ chức giao thông. Sở GTVT Hà Nội khẳng định: tuyến ĐTC chỉ dành cho ô tô lưu thông.
Theo đó, từ 21-10 thay vì đi vào nội đô ô tô lưu thông theo hướng Mai Dịch - Thanh Xuân - Linh Đàm và ngược lại được phép lưu thông trên ĐTC; với xe khách chạy hướng Pháp Vân - Mỹ Đình và ngược lại bắt buộc phải đi trên ĐTC. Tốc độ phương tiện được phép lưu thông tối đa là 80km/h.
“Từ ngày 21-10 liên ngành Công an - Giao thông sẽ bố trí các chốt trực trên dọc tuyến đường, đặc biệt là các nhánh đường dẫn lên xuống để xử lý phương tiện không tuân thủ tốc độ cũng như xe máy đi lên ĐTC”, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.
Thay vì lát gạch block rồi cho trông giữ xe như các gầm cầu vượt ở Hà Nội, hiện toàn bộ gầm ĐTC đang được nhà thầu trồng cỏ, tạo khuôn viên.
Ghi nhận của Tiền Phong toàn bộ gầm ĐTC trải dài gần 10 km đã được nhà thầu phủ cỏ xanh ngát.
Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco4 cho rằng, trồng cỏ dải phân cách là hạng mục được quy định trong thiết kế, trên thế giới triển khai từ lâu.
Theo ông Hoa, để tạo cảnh quan cũng như phòng chống cháy nổ, không gian gầm cầu vượt và cầu cạn bên dưới phải được trồng cỏ, dứt khoát không được làm bãi trông giữ xe.
Đồng ý phương án này, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, sau khi tuyến đường được giao cho Hà Nội, hạng mục trồng cỏ ở gầm cầu tiếp tục được Sở GTVT duy trì và không cho phép trông giữ xe.