Ngân sách cho giáo dục không thiếu nếu minh bạch

Giáo sư Văn Như Cương - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục cho rằng, nếu được sử dụng đúng mục đích thì ngân sách cho giáo dục (GD) như hiện nay là không thiếu. Vì thế, Bộ GD-ĐT không nên tăng học phí.

>> Hơn 10.000 tỷ đồng ngân sách cho GD&ĐT đi đâu?

Giáo sư Văn Như Cương

Tăng học phí vì học phí từ lâu chưa tăng, trong khi giá cả tăng, lương giáo viên tăng, ngân sách cho GD không đủ chi, theo giáo sư, lý do trên có xác đáng không?

Vấn đề sử dụng ngân sách GD như thế nào chưa được công khai, minh bạch thì làm sao có thể khẳng định "ngân sách GD chưa đủ chi". Tôi nghiêng về luồng ý kiến cho rằng, nếu được sử dụng đúng mục đích thì ngân sách cho GD như hiện nay là không thiếu.

Có nhiều con số giải trình về tài chính mà tôi nghi ngờ. Ví dụ ngành GD-ĐT cho biết chỉ riêng phần lương trong ngành đã chiếm đến 80 - 90%. Tôi rất nghi ngờ con số này.

Tổng ngân sách chi cho GD là 76.000 tỉ đồng. Nếu chi lương cho hơn 1 triệu giáo viên và cán bộ, với mức bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng thì ngân sách GD cho lương cũng chỉ chiếm 50.000 tỉ đồng. Chưa nói trên thực tế, lương trung bình của giáo viên chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Điều này cần được giải thích thấu đáo.

Một vấn đề nữa là học phí hiện nay chỉ chiếm 6% trong nguồn kinh phí chi cho GD, nếu có tăng lên 8 - 10% cũng không giải quyết được gì nhiều. Trong khi đó, chúng ta nên nhìn vào những nguồn tài chính khác đang được sử dụng một cách không rõ ràng và chưa hiệu quả.

Nhiều dự án GD như dự án thay sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên các cấp..., mỗi dự án ngốn hết 50 - 70 triệu đôla. Số tiền này được lấy từ nguồn vay, nhưng tôi không thấy thể hiện trong các giải trình về tài chính của Bộ GD-ĐT.

Một số trường công lập hiện nay bộ máy cồng kềnh, chi phí cho những hoạt động ngoài GD trực tiếp quá nhiều. Những khoản đó lớn hơn nhiều số tiền học phí dự kiến tăng.

Nhưng nếu giải trình của ngành GD-ĐT cho thấy ngân sách cho GD là thiếu thì theo giáo sư, có nên tăng học phí hay cần có giải pháp khác?

Tôi cho rằng, nếu ngân sách GD thật sự eo hẹp thì không nên dàn trải như hiện nay mà cần đầu tư có trọng điểm. Cụ thể là đầu tư cho những vùng miền khó khăn, đối tượng học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, đầu tư cho nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài (các trường chuyên, trung tâm bồi dưỡng học sinh giỏi) và đầu tư cho dạy nghề.

Đã phổ cập giáo dục thì không nên tăng học phí

Giáo sư Văn Như Cương cho rằng: "Trước hết, phải khẳng định một điều, đã làm phổ cập thì không nên nói đến vấn đề tăng học phí nữa. Phổ cập giáo dục tiểu học, THCS cần phải miễn hoàn toàn chi phí nói chung và tiền học phí nói riêng cho học sinh.

Thậm chí, nếu học sinh nào trong độ tuổi phổ cập mà cha mẹ không cho đến trường, thì các bậc cha mẹ đó bị phạt.

Nếu chúng ta đặt ra mục tiêu phổ cập THPT, cũng cần nghĩ đến việc miễn học phí luôn ở bậc học này".

Theo tôi, đó là ba mảng cần được ưu tiên tối thượng, nhằm mục đích nâng cao dân trí cho vùng khó khăn, lạc hậu, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng người tài cho đất nước.

Nhưng như vậy những vùng, miền, nhóm đối tượng không được ưu tiên sẽ khó chấp nhận vì sự không công bằng và các cơ sở GD ở khu vực này sẽ lại gặp khó khăn?

Những nơi có kinh tế phát triển, người dân có khả năng đóng góp thì nên khuyến khích mở trường có thể thu học phí cao tương ứng với chất lượng phục vụ. Có ý kiến cho rằng như thế là đào sâu khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Tôi không nghĩ thế.

Cần phải làm sao để người giàu hơn chia sẻ cho người nghèo. Người có khả năng đóng học phí cao, nhường ngân sách cho vùng khó khăn cũng là một cách chia sẻ. Trong khi đó, người đóng học phí cao cũng không bị thiệt vì họ được hưởng một điều kiện học tập tốt.

Nếu các trường ngoài công lập ở khu vực đô thị lợi dụng kẽ hở này, đua nhau nâng học phí quá cao, việc sử dụng nguồn học phí không minh bạch thì quyền lợi người đi học sẽ bị ảnh hưởng. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

Thị trường sẽ điều tiết việc đó. Trường chất lượng kém, học phí nâng lên quá sức người học, không sớm thì muộn cũng phải đóng cửa. Tôi cho rằng, đề án học phí của bộ nên bỏ "khung học phí” cho trường ngoài công lập, kể cả bậc đại học, nhưng thay vào đó cần yêu cầu cao hơn về tính minh bạch tài chính của họ.

Trong xu thế hội nhập, sẽ có những trường quốc tế được mở, những trường Việt Nam thật sự có thương hiệu. Cũng cần có cơ chế mở đối với những mô hình trường đặc biệt trong việc xác định mức thu học phí.

Nhìn ra các nước, việc mở trường chất lượng cao với học phí tương ứng là chuyện bình thường, nhưng so với hoàn cảnh Việt Nam thì những mô hình trên chỉ thỏa mãn nhu cầu và điều kiện của một bộ phận nhỏ. Phần đông học sinh vẫn đang chật vật với việc đóng góp tiền đi học. Giáo sư nghĩ thế nào về cách tính mức học phí của Bộ GD-ĐT dựa trên khả năng thu nhập thực tế của nhân dân nói chung?

Ở đây cần phân biệt giữa học phí và chi phí chung mà các gia đình phải chi cho một người con đang đi học. Theo dự tính của Bộ GD-ĐT, có 4 - 8% thu nhập của một hộ gia đình dành cho con (đang đi học).

Theo đó, thu nhập 1 triệu đồng, sẽ chi 40.000 đồng/người con. Nhưng thực tế không như vậy. HS ở các trường công lập hiện nay đi học phải nộp đến "1.001 khoản tiền", nhiều khoản núp dưới danh nghĩa "cha mẹ tự nguyện".

Nếu học phí chỉ có 30.000 đồng/học sinh thì tổng cộng các khoản phải nộp có khi lên đến cả triệu đồng/tháng. Thực trạng này kéo dài, nhưng ngành GD-ĐT không giải quyết được. Và trong hoàn cảnh "bội thu" đó, lại tăng tiếp học phí thì khó thuyết phục người dân.

Thưa giáo sư, vấn đề học phí có bao giờ được đưa ra bàn bạc ở Hội đồng quốc gia giáo dục chưa và ý kiến các thành viên thế nào?

Đã hơn một năm nay, chúng tôi không được triệu tập họp, mặc dù qui định đề ra là ba tháng họp một lần. Không riêng vấn đề học phí mà nhiều vấn đề lớn của giáo dục động chạm đến quyền lợi người dân nhưng không được đưa ra bàn ở hội đồng. Nhiều người muốn đóng góp ý kiến nhưng không có cơ hội.

Theo Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ