Ngâm mình dưới sông bắt vẹm đen, ngư dân kiếm tiền triệu mỗi ngày

TPO - Tại sông Vịnh, nhiều người dân Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã ngâm mình, lặn giữa sông hàng tiếng đồng hồ để bắt vẹm đen. Chỉ trong một buổi sáng họ có thể kiếm được tiền triệu từ nghề này.

Những năm gần đây, nghề bắt vẹm đen làm thức ăn cho tôm hùm được nhiều người dân ở thị xã Kỳ Anh săn đón. Dưới khu vực chân cầu Kỳ Ninh, nơi bắc qua sông Vịnh nối từ xã Kỳ Hà đến xã Kỳ Ninh là địa điểm nhiều lui tới để bắt vẹm đen.

Tại đây, có ít nhất 4 ngư dân lặn bắt vẹm. Mỗi người sẽ chuẩn bị cho mình dụng cụ như đồ bảo hộ bơi lặn, rổ, túi đựng vẹm. Để bắt được vẹm phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ đồng hồ, vì thế đòi hỏi ngư dân phải có sức khoẻ.

Vẹm đen thân mềm có 2 mảnh vỏ. Chúng có kích thước to chừng ngón tay chỉ, vỏ màu đen, sinh sống chủ yếu tại các vách đá, cọc tre vùng nước ngọt và lợ.

Vẹm đen ít thịt, là thực phẩm được đánh bắt làm thức ăn cho tôm hùm. Mỗi buổi đi săn vẹm, ngư dân có thể khai thác được gần 1 tấn vẹm, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Để bắt được vẹm, ngư dân phải mò ở ven các chân cầu, bãi đá bãi cọc... Còn vùng nước sâu ngư dân phải lặn xuống để bắt.

Sau khi vẹm được đưa vào rổ, người dân phải rửa sạch tại chỗ, sau đó đóng theo từng bao tải để bán cho thương lái.

Vẹm ở dưới đáy sông nên người dân phải rửa sạch trước khi đóng vào các bao tải. Những ngư dân cho biết, mỗi buổi sáng họ làm khoảng 5-6h đồng hồ thu về từ 7 tạ đến hơn 1 tấn vẹm đen, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/buổi.

Ông Trần Quốc Khánh (trú thị xã Kỳ Anh) làm nghề bắt vẹm đen này khoảng 2 năm nay. Ông cho biết, trước đây khi chưa có người thu mua loại hải sản này nên không ai đánh bắt. Chỉ ít năm gần đây khi thương lái tìm về mua nhiều nên dân có thêm nghề mới. “Vẹm đen được mua và vận chuyển vào các khu vực miền Nam để làm thức ăn cho tôm hùm. Hiện thương lái đang thu mua với giá 180.000 đồng/tạ”, ông Khánh nói.

Người thợ lặn xuống đáy sông để bắt vẹm đen. Họ chuẩn bị các bao tải, rổ đựng để bỏ vẹm vào trong.

Theo ngư dân, mùa vẹm đen thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm. Công việc không quá nặng nhọc, không gò bó thời gian, nhưng nếu thiếu đồ bảo hộ cũng khiến tay chân người thợ có thể mò phải hoặc đạp trúng mảnh sành, vật sắc nhọn dưới đáy sông...