Nga tập trận rầm rộ phô diễn sức mạnh toàn diện với NATO

TPO - Hơn 30 trung đoàn của Binh chủng tên lửa chiến lược Nga đã tham gia các hoạt động diễn tập quy mô lớn; hạm đội biển đen, bộ binh, lực lượng phòng thủ bờ biển cũng đồng loạt phô diễn sức mạnh khủng khiếp ngay cạnh sườn khối NATO.  

Phô diễn sức mạnh

Cuộc tập trận của 30 trung đoàn được tổ chức theo tưởng định, những nhóm biệt kích của đối phương giả định đã gài mìn trên tuyến tuần tra chiến đấu và sử dụng chất độc hóa học gần những vị trí dã chiến nhằm ngăn chặn hoạt động của lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Để giải quyết nhiệm vụ bất ngờ theo chỉ thị, các đơn vị công binh, các đơn vị xử lý phóng xạ, hóa học và sinh học, cùng các đơn vị chống biệt kích đã được huy động triển khai, sử dụng các máy bay không người lái và xe đặc chủng đo đạc và xử lý các chất xạ-sinh-hóa RKhM-4 để hoàn thành nhiệm vụ.

Một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga

Được biết, quân đội Nga đã huy động một số lượng lớn các trang bị tên lửa chiến lược và các trang bị bảo vệ và bảo đảm tham gia cuộc tập trận quy mô cực lớn này.

Lực lượng tên lửa chiến lược có sự tham gia của các tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars (SS-27 Mod 2), RT-2PM Topol (SS-27 Sickle B), RS-18 (SS-19 Mod 3 Stiletto). Ngoài ra, quân đội Nga cũng huy động các hệ thống phòng không bảo vệ như S-300, Pantsir-S cùng hàng loạt các xe trinh sát-phòng hóa.

Theo kịch bản diễn tập, các nhóm phá hoại của kẻ thù giả định đã rải mìn trên các tuyến đường tuần tra chiến đấu và sử dụng chất độc trên chiến trường. Các lực lượng công binh; phòng hóa, sinh và phóng xạ; cùng với các đơn vị chống phá hoại đã tham gia diễn tập xử lý các tình huống trên.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga

Ngay trước đợt diễn tập của lực lượng tên lửa chiến lược, quân đội Nga cũng triển khai hàng loạt các cuộc diễn tập của các lực lượng tên lửa bảo vệ bờ biển, tên lửa tấn công mặt đất ở khắp các quân khu trên lãnh thổ liên bang Nga.

Hệ thống phòng không S-300 tham gia bảo vệ lực lượng tên lửa chiến lược

Trước đó, ngày 10/2, Quân khu Đông của Nga đã thực hiện nhiệm vụ phóng tác chiến với các tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M. Iskander-M là tổ hợp tên lửa chiến thuật thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất ở khoảng cách tới 500km như các trận địa tên lửa, sân bay, sở chỉ huy… của đối phương.

Cũng trong ngày 10/2, hơn 600 binh sỹ Nga đã bắt đầu tập trận trên bán đảo Crimea với sự tham gia của khoảng 50 đơn vị vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc Hạm đội biển Đen của Nga, trong đó có các hệ thống tên lửa bờ đối hạm lừng danh như K-300P Bastion P, Bal-E

Lực lượng phòng thủ bờ biển Nga đã phóng các tên lửa P-800 Onyx (của tổ hợp K-300P Bastion P) và Kh-35E (tổ hợp Bal-E) ở khu vực miền núi Angara trên bán đảo này và tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu giả định chiến hạm của địch trên biển.

 NATO khởi động, Nga đáp trả

Cuối tuần vừa qua, biên đội tàu ngầm của Nga đã có một cuộc diễn tập dưới băng giá tại Bắc Cực. Tham gia diễn tập có tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp “borei”. Đây là biên đội tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo có công nghệ hiện đại bậc nhất và có vai trò răn đe hạt nhân của Nga hiện nay.

Tham gia diễn tập có tàu ngầm lớp “borei’ hiện đại bậc nhất của Nga

Thời gian cuộc diễn tập diễn ra đúng vào thời điểm (5-2) NATO tăng cường lực lượng quân sự áp sát dọc phía đông đường biên giới của Nga. Về phía mình, Moscow cho biết, cuộc diễn tập này là một phần của biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự tại Bắc Cực.

Thuyền trưởng tàu Vadim Serga thuộc hạm đội Bắc Cực của Nga tiết lộ thêm, trọng tâm của cuộc diễn tập là tập trung vào việc phát hiện những mối nguy hiểm và sự uy hiếp, nhưng cũng bao gồm cả phóng tên lửa, hành trình cơ động, trinh sát dưới nước, lặn và nổi lên từ dưới mặt băng, dùng ngư lôi để phá mặt băng.

Cuộc tập trận đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon lo ngại về cách Nga “hạ thấp ngưỡng” sử dụng vũ khí hạt nhân (VKHN): học thuyết quân sự mới của Nga cho phép sử dụng VKHN để đối phó một cuộc tấn công theo chiến tranh quy ước vốn đe dọa sự tồn vong của Nga. 

Ngày 26/12/2014, Tổng thống Nga Putin đã ký học thuyết quân sự mới. Học thuyết quân sự này nhấn mạnh 3 địa điểm chiến lược gồm: Bán đảo Crimea, Kaliningrad và Bắc Cực. Học thuyết còn coi NATO là mối nguy hiểm chính của Nga, cần phải tiếp tục thực hiện hiện đại hoá lực lượng quân sự ở 3 khu vực này.


Post by Báo Tiền Phong.