Theo Tass, Kiev được cho là đã mở lời đề nghị Washington triển khai một số khẩu đội phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở khu vực Kharkov (phía Đông Ukraine), cùng với “những thiết bị radar tương ứng”.
“Hệ thống radar AN/TPY-2 - một phần của tổ hợp THAAD - có khả năng theo dõi một phần quan trọng của lãnh thổ Nga, cho phép Kiev và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) 'nhòm ngó' sâu hơn vào lãnh thổ Nga với khoảng cách lên tới 1.000km”, nguồn tin giải thích.
THAAD được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối của chuyến bay.
Khi được hỏi về báo cáo này, phát ngôn viên Điện Kremlin – Dmitry Peskov cho biết việc triển khai THAAD có thể sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine, góp phần làm mất ổn định tình hình.
Thời gian gần đây, phương Tây đã liên tục gửi các nguồn lực hỗ trợ quân sự đến Kiev trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ Nga tấn công.
Ngoại trưởng Ukraine - Dmitry Kuleba hôm 7/2 tiết lộ quy mô viện trợ quân sự của phương Tây, ca ngợi “sự hỗ trợ kinh tế và chính trị từ cộng đồng quốc tế”. “Trong những tuần và tháng gần đây, chúng tôi đã nhận được hơn 1,5 tỷ USD và hơn 1.000 tấn vũ khí, thiết bị quân sự”, ông Kuleba nói.
Tính riêng trong tháng 1, Mỹ đã chuyển giao 79 tấn khí tài quân sự cho Ukraine, trong đó có khoảng 300 hệ thống chống tăng Javelin. Tương tự, Anh cũng gửi một lượng lớn vũ khí, cung cấp tên lửa chống tăng vác vai NLAW, cũng như triển khai thêm các huấn luyện viên quân sự để hướng dẫn lực lượng Ukraine cách sử dụng các hệ thống này.
Các quan chức và báo giới phương Tây từng nhiều lần cáo buộc Nga đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể. Mátxcơva liên tục bác bỏ các cáo buộc, khẳng định nước này không có kế hoạch tấn công Ukraine, đồng thời nói thêm rằng việc điều động binh sĩ bên trong lãnh thổ Nga là việc riêng của Mátxcơva.