Hãng RIA Novosti dẫn thông báo tại cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở thủ đô Ankara, vào ngày hôm qua (1/12) cho biết: Nga dừng việc xây dựng đường ống “Dòng chảy phương Nam” sang châu Âu, trong đó chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Lý do việc Moscow ra quyết định từ bỏ dự án “Dòng chảy phương Nam” trị giá 40 tỷ USD là việc EC ép Bulgaria cản trở việc xây đường ống qua lãnh hải nước này.
“Thực tế là cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được sự cho phép của Bulgaria. Chúng tôi tin rằng với điều kiện hiện tại, Nga không thể tiếp tục thực hiện dự án này”, RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Nga.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga, ông Alexei Miller, cũng khẳng định “dự án đã bị đóng”.
Theo kế hoạch, đường ống khí đốt trên chạy qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen và xuyên qua vùng Balkan, băng qua Bulgaria, Serbia, Hungary và Slovenia trước khi đến Áo để kết nối với mạng lưới chính của châu Âu.
Tuy nhiên, Bulgaria, thành viên Liên minh châu Âu (EU) từng ủng hộ mạnh mẽ dự án này, hồi tháng 6 thay đổi quyết định trước sức ép từ châu Âu và Mỹ.
Do bất đồng với Nga về vấn đề Ukraine, đồng thời muốn cắt giảm sự phụ thuộc năng lượng vào nước này, EU đã phản đối đường ống "Dòng chảy phương Nam" trị giá 40 tỷ USD.
Nếu diễn ra theo đúng kế hoạch, “Dòng chảy phương Nam” của Gazprom sẽ bắt đầu vận chuyển khí đốt từ Nga tới Nam Âu trong năm 2015.
Để bù đắp lại tổn thất cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga lên kế hoạch xây dựng một trung tâm cung cấp khí đốt tại khu vực biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ kỳ, cũng như để ngỏ khả năng việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai như một trung tâm khí đốt.
Ngoài ra, Moscow cũng cam kết tăng xuất khẩu khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm ba tỷ m3 và giảm 6% giá bán.