Hoạt động giám sát của ban chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sẽ kết thúc vào cuối tháng 4. Việc Nga sử dụng quyền phủ quyết sẽ không làm mất những biện pháp trừng phạt, nhưng sẽ khiến nhóm giám sát không thể tiếp tục công việc theo dõi xem có hành vi nào vi phạm hay không.
Triều Tiên chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ từ năm 2006 vì chương trình hạt nhân.
Từ năm 2019, Nga và Trung Quốc cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. Không có thời hạn nào đặt ra cho việc áp dụng các lệnh này.
Ngày 28/3, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng cho rằng các lệnh trừng phạt “làm tăng căng thẳng và đối đầu, gây tác động tiêu cực nghiêm trọng lên tình hình nhân đạo”.
Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong khi Nga phủ quyết.
Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia noi rằng, nếu không có đánh giá hằng năm để điều chỉnh biện pháp trừng phạt, hoạt động của ban giám sát là không chính đáng.
“Ban giám sát tiếp tục tập trung vào những vấn đề tầm thường, không tương xứng với những vấn đề mà bán đảo đang phải đối mặt”, ông Nebenzia nói.
Bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và vũ khí của họ. Tuần trước, nước này thử động cơ chạy bằng nhiên liệu rắn dùng cho “tên lửa siêu thanh tầm trung loại mới”, báo chí nhà nước đưa tin.
Những vụ phóng thử tên lửa hành trình gần đây của Triều Tiên dẫn đến suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang thử các loại vũ khí chuyển cho Nga để sử dụng trên chiến trường Ukraine.
Việc Nga sử dụng quyền phủ quyết lần này vấp phải chỉ trích gay gắt của Mỹ, Hàn Quốc và Ukraine.
Trong một tuyên bố riêng, 10 thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, bảo vệ hoạt động giám sát thực hiện trừng phạt.