Càng dùng những chức năng thông minh, người dùng càng bị lôi cuốn, lệ thuộc vì những chiếc “xì-mạc” đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” như câu quen thuộc của một hãng nước tinh khiết!
Ước gì… sập mạng
Vũ Hoàng Đức, trưởng phòng kinh doanh của một công ty cung cấp dịch vụ di động, than thở: “Ước gì một ngày nào đó không đụng đến chiếc “xì-mạc” thì sướng biết bao! Nói thiệt, nhiều lúc muốn đập nó để con mắt mình, cái đầu mình không nghĩ, không nhìn về nó cho tâm trí nhẹ nhàng.
Có lúc tôi nghĩ nhà mạng tăng giá cước 3G lên hàng chục lần hoặc sập mạng… để tôi có cớ chia tay”. Nhưng cũng chính ông kể rằng, đã từng đập nát một chiếc “xì-mạc” nhưng chưa đầy một buổi phải sắm lại chiếc khác hiện đại hơn, đắt tiền hơn.
Đã sử dụng một chiếc “xì-mạc” cách đây ba năm nhưng càng về sau, theo lời bà Cẩm Tiến, trưởng phòng nhân sự của một công ty truyền thông tại quận 3 (TP.HCM), càng “không thể sống được nếu như không máy mó đến chiếc điện thoại”. Bà Tiến xác nhận, vào thời điểm này, nếu không có “nó” sẽ chịu không nổi!
Trước đây, khi bế tắc hoặc vui sướng, bà thường nhắn tin hoặc gọi điện cho những người bạn thân, nhưng nay là facebook! “Đau đầu” khi không biết giải quyết nhân sự của công ty? Lên Facebook. Ngủ không được, lại thò tay hí hoáy với… Facebook. Niềm vui nào đó trong ngày: được ai đó khen đẹp, có món ăn ngon, có một chiếc váy mới… lại lên Facebook trên chiếc “xì-mạc”. Bà Tiến còn cho rằng, trước khi sắm “xì-mạc”, thỉnh thoảng mới dùng máy tính ở phòng kế bên để lên Facebook, còn bây giờ, thường xuyên “giao lưu” với cộng đồng vì quá tiện, “nó” nằm kế bên!
Khi thực hiện bài viết này, người viết đã có cuộc “điều tra” nhỏ với mười người dùng. Kết quả, chỉ có ba người cho rằng, “Một ngày, thậm chí một tuần không rờ đến “xì-mạc” cũng không có vấn đề gì”. Bà Lệ Quyên, nhân viên kinh doanh của một hãng giao nhận nước ngoài cho biết, dù rằng một ngày bình thường của bà bắt đầu với chiếc điện thoại, vào Facebook, vào web đọc báo, check mail… bảy người còn lại, thú nhận, không thể rời chiếc “xì-mạc” trong vòng một buổi, nói gì đến một ngày.
“Cuộc sống và công việc hôm nay của tôi và nhiều người khác đã gắn chặt với công cụ quái quỷ này rồi. Nói là muốn quên nhưng rồi không thể không sử dụng vì những hữu ích của nó”, ông Hoàng Đức thú nhận không đụng đến chiếc “xì-mạc” của mình trong vòng một buổi là thấy… “thiếu thiếu cái gì đó”!
Nghiện “xì-mạc”, xấu hay tốt?
“Xì-mạc” chỉ là công cụ, phương tiện dẫn dắt người dùng tới những môi trường giải trí khác, từng bước thay thế những phương thức giải trí truyền thống như xem tivi, nghe nhạc, đọc sách… Trong bài viết Người dùng ngày càng thông minh (Sài Gòn Tiếp Thị số 122, ngày 1.11.2013), người viết đã dẫn một kết quả khảo sát của Google vào tháng 6.2013.
Theo đó, với số lượng khách hàng khảo sát khoảng 1.000 người, Google cho biết về hành vi sử dụng “xì-mạc” của người tiêu dùng Việt Nam: “92% khách hàng thừa nhận có sử dụng “xì-mạc” trong khi chơi game hoặc lướt internet (máy tính bàn hay laptop), hay xem tivi, đọc sách, nghe nhạc, xem phim…”
Bình luận về cuộc khảo sát trên, một chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng cho rằng, chiếc “xì-mạc” đã, đang và sẽ hình thành những cảm xúc mới với người tiêu dùng. “Tôi chưa có cuộc khảo sát độc lập nhưng quan sát thực tế, khi sắm một chiếc “xì-mạc”, nghĩa là người tiêu dùng đã nhận thức được lợi ích và vai trò cần thiết trong cuộc sống của họ.
Không vào Facebook, thì cũng lướt web, check mail, không xem YouTube thì cũng chơi game… Nghĩa là họ biết cách khai thác những chức năng thông minh của nó. Dần dần người tiêu dùng sẽ bị ghiền, phụ thuộc vào chiếc “xì-mạc””, vị chuyên gia này bình luận.
“Có lúc tôi nghĩ nhà mạng tăng giá cước 3G lên hàng chục lần hoặc sập mạng… để tôi có cớ chia tay”
Không thể phủ nhận những bước tiến công nghệ trong việc sản xuất ra những thiết bị di động, trong đó có chiếc “xì-mạc”. Nhưng không thể không nhìn ra những mặt trái của nó tới đời sống của con người. Vị chuyên gia trên kể rằng, có nhiều người suốt ngày cứ “mân mê”, “cắm đầu cắm cổ” trên chiếc “xì-mạc” để kết nối với cộng đồng, cứ năm phút lại xem có gì mới không, có ai “còm” không… “Nếu thái quá sẽ dẫn đến những hậu quả.
Nếu là người tiêu dùng khôn ngoan, hãy biết điều chỉnh ý thức sử dụng. Nó giúp mình nhiều, mình phải biết cách trị để còn thời gian làm những việc khác có ích hơn”, vị chuyên gia khuyên. Ông còn so sánh những người nghiện “xì-mạc” hôm nay giống như nghiện thuốc lá, nghiện rượu. Không ít người uống rượu, hút thuốc vì thói quen hơn là nhu cầu của bản thân.
Vậy thì, cách tốt nhất là đừng để “xì-mạc” kế bên nữa, hoặc là mua một điện thoại rẻ tiền để nghe – gọi, còn chiếc “xì-mạc” bỏ vào giỏ xách, chỉ lấy ra khi rảnh rỗi hoặc tín hiệu báo có email nhấp nháy trên màn hình…
Theo Sài Gòn Tiếp Thị