Nếu có nắm lá ngón trong tay...

"Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa". Tô Hoài đã viết những dòng ấy, về cái cách giải quyết nỗi buồn quen thuộc của người Mông. Và nắm lá ngón ấy, đã không ở lại năm 1961, năm Tô Hoài viết Vợ chồng A Phủ - nó ám ảnh những bản làng Mông đến tận hôm nay.
Một cành lá ngón.

Vị của lá ngón

Lá ngón có vị như thế nào? Cán bộ trong xã chỉ tay vào anh Nội - phó chủ tịch: "Vị của lá ngón thì hỏi ông này". Anh cười cười, giải thích rằng nó cũng không đắng lắm, cũng dễ ăn. Không biết anh đã từng ăn, hay nếm như thế nào. Nhưng đời anh gắn chặt với cái lá ấy. Làm cán bộ xã, hay phải đi huyện, công tác về muộn, vợ anh Nội buồn, giận, rồi một ngày, ăn nắm lá ngón và bỏ anh đi. Người lái xe kể rằng sau này, anh Nội xây dựng lại gia đình, cũng với một góa phụ mà chồng đã ăn lá ngón tự tử.

Gia đình cán bộ xã còn như thế, thì trong những túp nhà liêu xiêu của đồng bào người Mông trên đỉnh núi, lá ngón vẫn đứng túc trực như một bóng ma, sẵn sàng đưa người sống đi bất kể lúc nào.

Giở quyển sổ theo dõi tử vong trong trạm Y tế xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ra: 22 trường hợp tử vong được ghi trong ấy từ đầu năm 2015, thì có đến 8 trường hợp là tự tử bằng lá ngón. Tức là hơn 1/3 số người chết ở đất này là bởi những cây lá ngón. Người Mông vẫn coi lá ngón là "phương thuốc" giải quyết mọi nỗi buồn bực. Họ tìm đến cái chết để trốn mọi sầu lo nhỏ nhặt. Vợ chồng giận nhau, con cái xích mích với cha mẹ, đều có thể dẫn người Mông ra sườn đồi hái lá ngón.

Sổ theo dõi tử vong tại xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc.

Đầu tháng 10, ở xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, có 2 đứa trẻ con đang học tiểu học, bỗng một ngày ăn lá ngón tự tử. Người ta nghi rằng chúng gặp chuyện gì ở trường, học kém hay bị cô giáo đánh mắng. Nhưng không phải, 2 chị em vẫn vui vẻ ở trường, vẫn học tốt. Cuối cùng, người lớn đành đi đến một kết luận mà người dưới xuôi nghe, sẽ chẳng ai dám tin: 2 chị em đi học về, cha mẹ đi vắng, mở nồi cơm ra, chưa thấy cha mẹ nấu cơm, chúng tự ái rồi ăn lá ngón. Sáng hôm ấy, cán bộ xã tất tả đón tiếp phóng viên, rồi xin lỗi không đi cùng xuống bản được: họ phải đi đám ma của hai đứa trẻ ấy, mãi sâu trong núi, đường vào khó khăn nên phải đi từ sớm.

Những đám ma người Mông trên bản, vẫn kéo dài nhiều ngày, để anh em họ hàng khắp nơi về nhìn mặt người chết. Thây ma cứ để đấy mấy ngày, cho người nhà vào bón cơm lên miệng, rồi xung quanh là rượu thịt ăn uống. Cán bộ xã đi dự đám ma, về phải uống không biết bao nhiêu nước chè cho đỡ cái dư vị trong vòm họng.

Những câu chuyện ám ảnh ấy gợi ra một vùng văn hóa dị biệt của đồng bào mà những nỗ lực kết nối của cán bộ vẫn chưa thành. Không một ai biết rằng mình có thể làm gì với cây lá ngón: chúng mọc hoang dại đầy các sườn núi. Nếu ai gặp lần đầu, có thể sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ của loài cây này. Lá thon dài, hoa vàng nhỏ tươi thành chùm, cái cây ấy hoàn toàn có tư cách được trồng làm cảnh ở bất kỳ căn biệt thự phố nào, nếu như nó không tước đoạt sinh mạng con người chỉ bằng vài ba lá. Người Mông - như anh Nội, Phó chủ tịch xã Phan Thanh - thậm chí còn nắm rõ cả "vụ mùa" của loài cây tử thần. Anh bảo, trong tháng Ba, độc tố mạnh nhất, chỉ cần ăn một ngọn thôi là đủ rồi.

Anh Sùng A Tọa, xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc: "Hỏi mà không nhớ tên chương trình thì hỏi làm gì? Hỏi nó cũng chẳng nói hỏi làm gì?".

Tất nhiên, không thể có cách nào diệt một loài cây hoang mọc trên rừng. Có người đùa: "Bây giờ bỗng nhiên thương lái Trung Quốc đứng lên thu mua lá ngón, thì may ra nó mới bị tận diệt". Người khác phản đối: "Lúc ấy, có khi bà con lại đem trồng lá ngón để bán". Tuyên truyền tác hại của lá ngón là thừa (thậm chí bà con còn biết rõ hơn người Kinh). Chẳng lẽ tuyên truyền về cái chết? Thật ra, để bà con thôi đừng nghĩ đến cái lá ấy nữa, chỉ có một cách là tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc sống và cải thiện được chất lượng sống nơi núi cao này. Nhưng điều đó vẫn đang gặp muôn trùng vất vả. Những xóm nhỏ cheo leo giữa lưng chừng núi trong mây trắng, đến điện còn không có, sóng điện thoại tậm tịt, rất hay lạc sóng nước khác vào, sinh hoạt văn hóa thì hiếm hoi, đồng bào chỉ có cái gia đình nhỏ để trông vào - và dễ dàng đau lòng đến chết trước xích mích vợ chồng.

Tự ái người Mông

Trong chương trình ngữ văn phổ thông, các đề mẫu thỉnh thoảng xuất hiện một câu hỏi: "Nhân vật Mị trong vợ chồng A Phủ đã nghĩ đến lá ngón bao nhiêu lần? Em hãy phân tích ý nghĩa của những lần này". Mị đã hái, và đã nghĩ đến lá ngón tổng cộng 3 lần trong "Vợ chồng A Phủ". Lần đầu tiên, Mị đã hái nắm lá ngón, giấu trong áo, nhưng rồi vứt xuống đất. Lần thứ hai, là bối cảnh của một trong những câu văn nổi tiếng nhất lịch sử văn học hiện đại. "Lần lần, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen cái khổ rồi". Lần thứ ba, cái mong ước ăn lá ngón lại quay về trong đêm tình xuân, cao trào của truyện. "Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa". Tiếng sáo gọi bạn làm Mị nhớ tự do, nhớ lá ngón.

Tô Hoài, bậc thầy của chi tiết, hẳn đã đi thực tế đủ sâu để xây dựng hình ảnh ấy: Cái lá trở thành biểu tượng tối cao cho mong muốn giải thoát của người Mông. Nhưng có lẽ nhà văn không tưởng rằng, hơn 50 năm sau ngày ông viết những dòng ấy, lá ngón vẫn giữ nguyên tư thế của nó giữa núi rừng. Mà người Mông hôm nay, cũng chẳng nghĩ quá nhiều như Mị. Chỉ một buồn bực, người ta đã vứt bỏ hết. Trong quyển sổ theo dõi tử vong xã Phan Thanh, có một dòng đầy ám ảnh. Trong phần lý do tử vong của một cô gái trẻ, cán bộ viết: "Tự tử lá ngón/Thai 5 tháng". Hai mạng người đã mất, không biết vì điều gì. Người lái xe hay chuyện còn kể, có đôi khi, hai vợ chồng đi núi với nhau, chồng vô tâm đi trước vợ một quãng xa, đến khi ngoái lại không thấy đâu, quay lại thì người vợ đã tự ái hái lá ngón bên đường ăn rồi.

Trẻ em xã Kim Cúc - huyện Bảo Lạc.

Tự ái của người Mông cao như núi, thứ ấy người xuôi không hiểu được. Và sự tự ái ấy gợi ra một cảm giác không an lành ở vùng cận biên này. Trong núi trắng mờ sương, cách biên giới hơn cây số, nhà mạng đã nhắn tin bạn đang dùng sóng di động của Trung Quốc, cái radio phát cho bà con mấy ngày đã thấy nghe đài Trung Quốc, mà người Mông thì vẫn tự ái ngất trời vì những điều nhỏ nhặt.

Sự tự ái cũng có khi không dẫn đến lá ngón, chúng ngấm ngầm nuôi trong lòng rồi dẫn đến sự xa cách. Trong nhà anh Sùng A Tọa, anh cười một điệu nhàn nhạt, rồi kể rằng năm ngoái chính quyền có cho anh cái bể nước sạch, nhưng vật liệu không đủ. "Chúng nó cứ ghi tên mình chứ có đâu". Chẳng biết anh nghĩ có đúng không, vì ở những xã miền cao này, cũng đôi khi xuất hiện chuyện ăn bớt trợ cấp vì bà con không biết tiếng Kinh, không nắm được chế độ. Nhưng kể cả khi chính quyền có làm đúng, thì anh Tọa cũng chẳng thể nào biết, và chẳng muốn biết. Sao anh không đi hỏi? "Hỏi mà không nhớ tên chương trình thì hỏi làm gì? Hỏi nó cũng chẳng nói hỏi làm gì?". Sự tự ái đã nuôi trong lòng người Mông ấy, cách biên giới một quãng đường ngắn ngủi. Và khác với sự tự ái vợ chồng, cha mẹ, người ta chẳng ra nương hái lá ngón ăn. Họ cứ nuôi nỗi ấm ức ấy. Và chúng có thể độc hại như lá ngón.

Làm sao để bà con không còn nhìn cuộc sống với niềm tự ái và nỗi chán chường không thể giải thoát nữa. Câu trả lời có thể bật ra rất dễ dàng. Là điện, là nước sạch, là con giống, là đất đai phì nhiêu, là sinh hoạt văn hóa, một cái TV hay đài có chương trình tiếng dân tộc. Nhưng chuyện ấy khó khăn quá với địa hình núi cao hiểm trở này. Cũng có thể, bà con cần những tấm lòng. Như anh Hiếu, một chủ tịch xã mới 26 tuổi , lên Kim Cúc, một cái xã nghèo nhất nước theo chương trình 600. Gia đình có điều kiện, cha mẹ mua cho cả xe hơi để đi làm, nhưng anh khi nào cũng ăn mặc tuềnh toàng, đi cái xe máy cũ leo lên bản với bà con, cặm cụi học tiếng dân tộc để nói chuyện. Nhưng những người như thế hiếm quá. Người dưới xuôi lên không mang theo tấm lòng. Ở xã Kim Cúc của anh Hiếu, có một xóm người Lô Lô. Người Lô Lô là một cộng đồng văn hóa rất khép kín, cả nước chỉ còn có 4000 người. Họ có những cái trống đồng quý để lại từ thời cha ông, ngày xưa vẫn hay cho khách đến xem. Nhưng rồi có người dưới xuôi lên, lừa bà con lấy mất một cái trống. Từ dạo ấy, người Lô Lô không còn cho ai xem trống đồng nữa, giấu kỹ trong thùng gạo, trên chái nhà. Không biết bao nhiêu chuyến lặn lội lên xóm của chủ tịch Hiếu thì đổi được một cú lừa đau thương như thế.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Hoa cây ngón vàng đẹp như nét màu vẩy lên khung cảnh núi rừng. Nhưng nó ở đấy, như để làm thành bức tường thành quây lấy vùng văn hóa dị biệt của đồng bào - và nó gợi ra những âu lo không chỉ về cái chết.

Theo Đức Hoàng/Báo Ngày Nay