Như Tiền Phong đã đưa thông tin trước đó, trong hàng loạt chung cư, tập thể cũ được xếp hạng D - Cấp độ cực kỳ nguy hiểm phải di dời khẩn cấp thì người dân vẫn sinh hoạt và không chịu di dời.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng (Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam) thông tin: Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tại các đô thị trên cả nước có hơn 3 triệu m2 sàn nhà chung cư (CC) cũ được xây dựng từ trước năm 1991 với hơn 100 nghìn hộ dân đang sinh sống; trong đó có hơn 200 khối nhà chung cư nguy hiểm (với khoảng 10 nghìn hộ dân hiện đang sinh sống) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại 02 thành phố lớn là Hà Nội (Nguyễn Công Trứ -1960; khu tập thể Kim Liên: 1960 - 1970; khu tập thể Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân, Trung Tự: 1970 -1980...) và Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Vinh... Những khu chung cư cũ chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước từ trước năm 1991, phần còn lại được xây dựng từ nguồn vốn tự có của các tổ chức kinh tế - xã hội hoặc được tiếp quản từ chế độ cũ sau khi giải phóng Miền Nam (năm 1975).
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu chung cư nhìn chung đã bị hư hỏng và quá tải do công tác duy tu sửa chữa kém, cộng với quy mô dân số tăng nhiều (từ 2-2,5 lần) so với thiết kế ban đầu. Tình trạng xây dựng lấn chiếm diện tích đất công cộng, sân vườn ở tầng một tại hầu hết các khu cc làm tăng mật độ xây dựng (có khu vực tới 80%), đã làm hạn chế không khí lưu thông và tăng hàm lượng tạp khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Các hộ dân sống tại các cc này đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với sự xuống cấp của chất lượng công trình cũng như môi trường sinh sống.
Nguyên nhân gây chậm trễ và những vướng mắc chủ yếu do: Thiếu quy hoạch, kế hoạch đồng bộ cải tạo lại các khu CC của chính quyền đô thị, thiếu vốn, không khai thác hết tiềm năng quỹ đất, quy trình triển khai thực hiện dự án còn có những bất cập, thiếu sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân... Muốn cải tạo, xây dựng lại các khu CC cũ cần xây dựng cơ chế đảm bảo lợi ích 3 bên là chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Việc cải tạo, xây dựng này cần tiến hành trên phạm vi cả khu, với một quy hoạch đồng bộ để tận dụng tối đa ưu thể về đất đai.
Để cải tạo CC, ông Nam đề xuất Thành phố Hà Nội cần có một số chính sách đặc thù: Cho phép tăng mật dộ dân số ở mửc độ nhất định bằng cách cho phép tăng chiều cao (số tầng) của dư án; Thứ hai, Nhà nước hoặc chủ đầu tư mua lại các căn hộ của người dân theo giá thị trường (giá thoả thuận). Người dân có nhu cầu, nếu không mua suất tái định cư/nhà ở xã hội..., có thể mua nhà ở vị trí bất kỳ trong dự án mới theo giá thị trường hoặc có ưu đãi; Thứ ba là chuyển dự án cải tạo CC cũ thành dự án cao cấp, tận dụng lợi thế vi trí, bù đắp chi phí tài chính mà không tăng mật dộ dân số quá cao; tránh việc thay CC cũ bằng CC mới xây nhưng chất lượng thấp do thoả thuận với dân về diện tích mà không cam kết rõ về chất lượng và mức độ hoàn thiện.
Đối với những nhà đã xác định nguy hiểm cấp D thì Thành phố phải tổ chức di dời ngay để đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống trong nhà CC đó cũng như các khu vực lân cận. Công tác di dời ngoài việc tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục thì cũng cần phải xây dựng chế tài cương quyết, mạnh mẽ, thậm chí là có biện pháp cưỡng chế.