"Theo quy định của Luật Giá, giá SGK mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do doanh nghiệp, nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định, đồng thời thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin. Bộ GD&ĐT có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định”, Bộ GD&ĐT kiến nghị.
Trước đó, năm 2021, Bộ GD&ĐT đã có kiến nghị đưa SGK vào danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý về giá.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Giá sửa đổi. Đối với kiến nghị của Bộ GD&ĐT đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa, Bộ Tài chính sẽ đánh giá tổng quát ưu nhược điểm của đề xuất này khi xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật Giá. Sau khi có dự thảo cụ thể, Bộ Tài chính sẽ công bố rộng rãi để nhận ý kiến góp ý của người dân, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, dự kiến, ngày 2/6 tới, lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ họp về sửa đổi Luật Giá.
Trước đó, năm 2021, Bộ Tài chính trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Giá (sửa đổi) với xây dựng nhiều chính sách.
Quản lý giá phải có nguyên tắc
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói: “Đề nghị Nhà nước quy định giá tối đa với mặt hàng SGK cực kỳ khó. Có 3 điểm khó ở các khâu: biên tập, in ấn và phát hành. Khâu in ấn và phát hành, cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, khâu quản lý nội dung biên soạn, cùng một bài viết, mỗi đơn vị trả chi phí khác nhau. Để Nhà nước quy định khung giá cho việc biên soạn cực kỳ khó và bản thân Bộ Tài chính không đủ năng lực. Bộ Tài chính định giá cách nào ở khâu biên tập, không lẽ tính theo trang bởi hàm lượng chất lượng trí tuệ khác nhau”, ông Long đặt vấn đề.
Theo ông Long, việc đánh giá sản phẩm trí tuệ cực kỳ khó. Khâu biên tập SGK phải có chuyên môn, nghiệp vụ, phần này phải do Bộ GDĐT xử lý. Việc quản lý SGK phải có nguyên tắc, chỉ rõ từng khâu, cách thức thực hiện phối hợp giữa Bộ GDĐT (về chuyên môn) và Bộ Tài chính.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phát hành sách giáo khoa tuân theo kinh tế thị trường nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục. “Chúng ta cần có những bộ sách chuẩn và được Nhà nước hỗ trợ, quản lý giá cả, khống chế giá, đảm bảo việc phổ cập tốt. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục”, ông Thịnh kiến nghị.