> Dễ dàng mua phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò
> Giật mình quy trình "phù phép" bánh bao quá hạn
Trong vụ mới nhất xảy ra ngày 20/4, hơn 250 học sinh của một trường tiểu học ở tỉnh Thiểm Tây đã bị ngộ độc sau khi uống sữa tươi do một đơn vị tại địa phương cung cấp. Cách đó chưa đầy hai tuần là vụ ngộ độc sữa chứa nitrite, một loại hóa chất dùng để ướp thịt, tại tỉnh Cam Túc khiến 3 trẻ em tử vong và 35 em nhiễm bệnh.
Xen giữa những vụ ngộ độc sữa là những vụ phát hiện 6.000 bánh bao, hoành thánh chứa đầy hóa chất chưa được biết rõ tại thành phố Thượng Hải, hay hàng chục tấn giá đỗ có chứa nhiều loại hóa chất độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng tại tỉnh Liêu Ninh.
Chưa hết, tháng trước tập đoàn chế biến thực phẩm lớn nhất nước Shuanghui đã buộc phải xin lỗi người tiêu dùng vì một số sản phẩm chế biến từ thịt lợn đã bị phát hiện có chứa clenbuterol, một chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm, nhằm làm tăng độ nạc và giảm bớt mỡ cho vật nuôi.
Đó là chưa kể một nghiên cứu khoa học công bố tháng 2 năm nay cho biết hơn 10% gạo sản xuất tại Trung Quốc có chứa một hàm lượng chất cadmi cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Đáng nói là những vụ này hoàn toàn do báo chí của chính Trung Quốc phanh phui chứ không phải do ai đó “ác ý” muốn bôi nhọ, đặt điều nên một chính quyền có trách nhiệm với người dân không thể làm ngơ hay xử lý qua quýt.
Trước hàng loạt bê bối gây bức xúc dư luận, việc Bộ Y tế Trung Quốc vừa ra thông báo yêu cầu siết chặt quản lý chất phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng được coi là một quyết định kịp thời.
Thông báo này quy định rất cụ thể về lượng hóa chất được phép trong thực phẩm cũng như yêu cầu các cấp chính quyền địa phương và bộ, ngành liên quan tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ các khâu sản xuất, tiêu thụ và sử dụng chất phụ gia dùng trong chế biến thực phẩm.
Ngoài ra, thông báo cũng yêu cầu cần tăng cường truy cứu và làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương liên quan trong vấn đề quản lý chất phụ gia kể trên. Nhưng rõ ràng, nếu biện pháp của chính quyền chỉ được thể hiện qua những thông báo như vậy mà không có ngay chế tài xử phạt mạnh, có tính răn đe thực sự đối với những nhà sản xuất vô đạo đức thì cũng chỉ như “ném đá ao bèo” mà thôi.