NATO và những đội quân bí mật liên quan đến khủng bố
> NATO không muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Trung Quốc
> NATO phát triển công nghệ đề phòng tấn công liều chết
Cuốn sách "Những đội quân bí mật của NATO. Chiến dịch Gladio và Khủng bố ở Tây Âu" của nhà sử học Daniele Ganser, Đại học Bale (Thụy Sĩ) mô tả những chiến dịch bí mật của NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Một cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã gây sóng gió trên trang nhất các tờ báo trên thế giới vào năm 1990 nhưng sau đó nhanh chóng rơi vào quên lãng và cho đến hôm nay những đội quân bí mật của NATO vẫn nằm yên trong… bí mật!
Gần đây, khi các chuyên gia phân tích bắt đầu tranh cãi về việc liệu NATO có dính líu đến "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu" do Mỹ phát động hay không thì bất ngờ, có một cuộc nghiên cứu mới cho rằng những đội quân bí mật của liên minh quân sự này có liên quan đến khủng bố.
Ở Italia, vào ngày 3/8/1990, Thủ tướng lúc đó là Giulio Andreotti khẳng định về sự tồn tại của một đội quân có mật danh "Gladio" - nghĩa là "Thanh gươm" - bên trong nước này. Sự xác nhận của Thủ tướng trước tiểu ban Thượng viện đang điều tra khủng bố ở Italia đã gây chấn động Quốc hội cũng như công chúng, giữa sự nghi ngờ về việc một đạo quân bí mật đang thao túng chính trường nước này thông qua các hoạt động khủng bố.
Thủ tướng Andreotti tiết lộ rằng, đội quân bí mật Gladio ẩn náu bên trong Bộ Quốc phòng Italia như là bộ phận phụ của tình báo quân đội, SISMI. Tướng Vito Miceli, cựu Giám đốc SISMI, không tin Thủ tướng Andreotti có thể vén bức màn bí mật này nên đã lên tiếng phản đối.
Theo tài liệu của SISMI năm 1959, các đội quân bí mật của NATO có 2 mục đích chiến lược - thứ nhất, để hoạt động như là nhóm "tuyến sau" trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công của Liên Xô và tiến hành chiến tranh du kích trong các lãnh thổ bị chiếm đóng; thứ hai, để tiến hành những chiến dịch trong nước khi có "những tình huống khẩn cấp".
Trong cuộc điều tra của mình, thẩm phán Italia Felice Casson lần đầu tiên phát hiện đội quân vũ trang bí mật Gladio có mối liên kết với bọn khủng bố cánh hữu để đối phó với "những tình huống khẩn cấp" và ông buộc Thủ tướng Andreotti phải tuyên bố lập trường của mình.
Bọn khủng bố, được Gladio ủng hộ, thực hiện những vụ tấn công nhằm vào các khu vực công cộng rồi đổ trách nhiệm cho phe cánh tả Italia và được SISMI bảo vệ khỏi bị truy tố.
NATO và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch sử dụng khủng bố ở Italia nhằm gây tai tiếng cho phe cánh tả nước này trong suốt thời gian điều tra Chiến tranh lạnh như thế nào hiện vẫn còn là đề tài đang được nghiên cứu.
Sau khi các đội quân bí mật của NATO được khám phá vào năm 1990, cuộc nghiên cứu về chúng tiến triển rất chậm do khả năng truy cập các tài liệu quan trọng gặp hạn chế rất lớn đồng thời NATO cũng như CIA từ chối hợp tác. Ngày 5/11/1990, người phát ngôn của NATO tuyên bố với báo chí: "NATO không bao giờ dự tính cuộc chiến tranh du kích hay các chiến dịch bí mật".
Nhưng vào ngày hôm sau, giới chức NATO lại ra tuyên bố sự phủ nhận trước đó là không đúng sự thật nhưng từ chối bình luận vì lý do bí mật quân sự. Nhưng, trong cuốn hồi ký của mình, cựu Giám đốc CIA William Colby cho biết, việc thành lập những đội quân bí mật ở Tây Âu là "chương trình chính" của CIA.
Theo tiết lộ của William Colby, dự án bắt đầu sau Thế chiến II trong tuyệt mật và "chỉ một nhóm nhỏ những người đáng tin cậy ở Washington và trong NATO" mới được phép truy cập thông tin.
Sau sự việc khám phá những đội quân bí mật của NATO liên quan đến khủng bố, Nghị viện châu Âu đã có phản ứng gay gắt và trong một nghị quyết đặc biệt ngày 22/11/1990, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi mở "một cuộc điều tra toàn diện về bản chất, cơ cấu, mục đích và mọi khía cạnh của những tổ chức bí mật và vấn đề khủng bố ở châu Âu".
Chỉ có các nghị viện ở Italia, Thụy Sĩ và Bỉ cho thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra đội quân bí mật bên trong nước mình. Cuối cùng, kết quả điều tra lần đầu tiên khẳng định, NATO cùng với tình báo Mỹ và Anh đã xây dựng những đội quân bí mật tại nhiều nước ở Tây Âu như: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Luxemburg, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy, Italia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các đội quân này phối hợp hành động ở cấp độ quốc tế nằm dưới sự kiểm soát của Ủy ban Bí mật của Đồng minh (ACC) liên kết với Bộ chỉ huy tối cao các cường quốc đồng minh ở châu Âu (SHAPE) của NATO. Và, chúng sử dụng các tên mã như là "Absalon" ở Đan Mạch, "P26" ở Thụy Sĩ, "ROC" ở Na Uy hay "SDRA8" ở Bỉ.
Những đội quân bí mật này cũng rất khác biệt nhau ở mỗi nước. Tại một số quốc gia, chúng là những tổ chức khủng bố trong khi ở các nước khác chúng chỉ hoạt động tình báo.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đội quân bí mật của NATO dính líu đến những vụ tấn công khủng bố trong nước và các chiến dịch tra tấn chống người Kurd. Trong khi ở Hy Lạp, đội quân "LOK" tham gia vào cuộc đảo chính quân sự năm 1967; và ở Tây Ban Nha, đội quân bí mật ủng hộ chế độ độc tài phát xít Franco.
Còn ở Đức, bọn khủng bố cánh hữu sử dụng chất nổ của đội quân bí mật thực hiện vụ tấn công ở Munich năm 1980. Tại các quốc gia khác (bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Luxemburg), đội quân bí mật chỉ hoạt động tình báo mà không tiến hành bất cứ vụ tấn công khủng bố nào.
Rõ ràng là những ám chỉ về việc NATO, Lầu Năm Góc, Cơ quan Phản gián Anh MI-6, CIA cũng như các cơ quan tình báo châu Âu liên quan đến những cuộc khủng bố, đảo chính và tra tấn ở châu Âu đòi hỏi phải có cuộc nghiên cứu sâu xa trong tương lai.
Theo Diên San
Cảnh sát toàn cầu