KTS. Nguyễn Việt Huy (Chủ tịch Chi hội KTS Trường ĐH Xây dựng Hà Nội): Sớm tính bài toán vận hành
Chúng ta có quy chuẩn 02/2021 - quy chuẩn quốc gia về đô thị - quy định cụ thể về công trình hạ tầng xã hội. Công trình đó dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, căn cứ vào khảo sát thực tế. Hà Nội có cần thêm nhà hát nữa hay không thì phải dựa trên quy hoạch đô thị.
Cần nhìn lại một chút, một số nhà hát tồn tại trên đất Hà Nội có số phận lận đận. Nhà hát Lớn Hà Nội chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa đúng chức năng. Thiết kế từ thời Pháp của Nhà hát Lớn không phải để chạy đủ các chương trình từ nhạc trẻ, nhạc vàng, lễ trao giải tới lễ kỷ niệm như bây giờ. Khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị cũng thành nơi tổ chức hội nghị, đám cưới...
Đã qua thời ăn no mặc ấm bước sang thời kỳ ăn ngon mặc đẹp, có thể nói công trình nhà hát hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Vì vậy, Hà Nội muốn xây dựng nhà hát mới cần tính toán theo nhu cầu thực tế, khảo sát và đánh giá tác động đối với xã hội, môi trường. Chúng tôi đạt rất nhiều giải thưởng thiết kế xây dựng công viên cho nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng khi xem tới bài toàn vận hành, duy trì phục vụ đời sống người dân thì lại chùn bởi không biết lấy ở đâu ra chi phí thường niên, không thể vận hành được. Điều này tương tự với bài toán tạo ra các nhà hát, trung tâm biểu diễn hiện đại.
“Nhà hát xây ra cũng bỏ hoang nếu không có hệ thống đi kèm: bộ máy vận hành, nhân lực đồng bộ”
NSƯT Trần Ly Ly
Quay lại câu chuyện xây dựng một nhà hát quy mô ở Hà Nội, xây dựng thời điểm nào, ở đâu, như thế nào cũng cần được xem xét thấu đáo. Chắc chắn các phương án đều có những ý kiến trái chiều nhưng sự thông minh của nhà quản lý thể hiện ở sự lựa chọn hợp lý. Trung tâm Pompidou (Paris, Pháp) - luôn có hàng dài người dân xếp hàng vào xem triển lãm, thư viện không gian mở - cũng từng bị phản đối kịch liệt. Bởi công trình hiện đại phô diễn công nghệ xây dựng, khoa học kỹ thuật công nghiệp và nằm ngay lõi của Paris cổ. Phương án này phải hứng chịu luồng phản ứng dữ dội, nhưng lãnh đạo nhìn nhận rằng nó sẽ trở thành di sản mới, tạo ra sự tương phản tăng giá trị di sản cũ, thu hút khách du lịch. Họ đã cân nhắc phương án thiết kế hài hòa và cuối cùng đã thành công. Hoặc tháp Eiffel chẳng hạn, ban đầu chỉ mang tính biểu tượng để kỷ niệm 1.000 năm Paris, sau lại trở thành một trong ba điểm đến đông khách du lịch nhất nước Pháp. Đương nhiên, người ta phải tìm ra cách vận hành hiệu quả để đem lại lợi ích thực sự cho những công trình như thế.
NSƯT Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Đào tạo nhân lực không thể ăn xổi
Hà Nội nên có thêm một nhà hát xứng tầm quốc gia. Phải có nhà hát quy mô hơn nữa để phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là sự đầu tư thích đáng cho ngành văn hóa. Các nhà hát hiện nay đang thiếu những dịch vụ phụ trợ nên chưa có sự đồng bộ. Tất nhiên, vị trí xây dựng, quy mô cũng phải được khảo sát, cân nhắc để tạo ra sự hài hòa và hình thành hệ sinh thái.
Nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đòi hỏi sự kết nối toàn ngành, đặc biệt là du lịch và văn hóa. Nhà hát xây ra cũng bỏ hoang nếu không có hệ thống đi kèm: bộ máy vận hành, nhân lực đồng bộ. Các nhà hoạch định phải thiết lập cho bằng được mối quan hệ sinh thái giữa văn hóa, du lịch và phát triển kinh tế. Chẳng hạn, Thái Lan nghĩ ra việc bán chiếc vé máy bay trị giá 300 USD, trong đó đã bao gồm vé xem chương trình nghệ thuật đặc biệt, tua ẩm thực, đi lại. Nhà hát hay bất cứ một thiết chế nào khác đều không thể tồn tại độc lập mà phải hình thành một hệ sinh thái bền vững.
Bên cạnh việc lo xây nhà hát mới to đẹp hơn, Hà Nội phải nhận thấy câu chuyện bộ máy vận hành vô cùng cần thiết, thậm chí phải tính dài hơi hơn nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất. Vận hành những công trình hiện đại, chuẩn bị hệ thống nhân lực chuyên nghiệp, đa năng là những thách thức thực sự to lớn. Được trải nghiệm, tiếp cận với nhiều nền công nghiệp văn hóa trên thế giới nên tôi thấu hiểu và luôn trăn trở về nguồn nhân tài. Chúng ta có nhiều người tài nhưng lại chưa quy tụ lại, chưa thành hệ thống nhân lực chuyên nghiệp. Chuẩn bị cho vấn đề con người rõ ràng không thể ăn xổi, phải bắt đầu từ đào tạo ngay hôm nay, đặt nền móng cho 10 năm tới và lâu hơn nữa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hà Nội phải đạt đến tầm trung tâm văn hóa của khu vực
Hà Nội có chủ trương lớn về phát triển công nghiệp văn hóa, để văn hóa Thủ đô xứng tầm văn hóa cả nước. Trong thời gian gần đây, Thành ủy Hà Nội ban hành một số nghị quyết về văn hóa. Năm 2019, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cho nên nhu cầu có thiết chế văn hóa xứng tầm, hạ tầng là đòi hỏi cấp thiết. Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập trung huy động trí tuệ, nguồn nhân lực, sáng tạo và cơ chế để phát triển văn hóa.
Hạ tầng văn hóa chính là điều kiện để phát triển công nghiệp văn hóa, đưa Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa cả nước và cả khu vực. Đó là mong ước, khát vọng khi Thủ đô tham gia vào mạng lưới sáng tạo của UNESCO. Để làm điều đó, Hà Nội cần có thiết chế văn hóa xứng tầm, dù đang có khá nhiều nhưng vẫn thiếu. Chẳng hạn Nhà hát Lớn được xem là bậc nhất Hà Nội được xây dựng từ thời Pháp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng mang dấu ấn của người Pháp, trừ Bảo tàng Hà Nội mới xây dựng (nhưng chưa đưa vào khai thác thương mại). Để tổ chức sự kiện quốc tế ở Thủ đô ngay lúc này khó có thể thực hiện. Chúng ta muốn có sự kiện quốc tế, thương hiệu quốc tế đến Việt Nam để phát triển công nghiệp văn hóa thì phải có những công trình xứng tầm Thủ đô và mang dấu ấn thời đại Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, sự lo ngại làm sao khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa đó là điều phải quan tâm nhiều hơn. Nhà hát có rồi nhưng không thể chỉ có cái vỏ mà quan trọng phải tạo ra môi trường văn hóa nghệ thuật sôi động, hấp dẫn. Câu chuyện này đang đặt ra với Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. An cư lạc nghiệp, đầu tiên phải có cơ sở vật chất trước rồi phải nghĩ đến tổ chức, vận hành hiệu quả.
Vì lẽ đó, cuối năm nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ VHTTDL, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo về chính sách, cơ chế nguồn lực đầu tư cho văn hóa nhằm tìm giải pháp giải quyết câu chuyện hiệu quả đầu tư văn hóa, hiệu quả các thiết chế văn hóa. Bộ VHTTDL cũng có phiên giải trình trước Quốc hội về các thiết chế văn hóa, để tăng cường hiệu quả cho các thiết chế văn hóa-thể thao trên cả nước.