Nặng gánh hai vai

TP - Những vận động phức tạp của cục diện khu vực và thế giới mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, đặc biệt khi cùng lúc đảm nhiệm hai vị trí quan trọng trong năm 2020: Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ khi nghe tin Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp đầu năm mới, PV Tiền Phong trao đổi với các quan chức và cựu quan chức ngoại giao để có cái nhìn rõ hơn về vị thế này.

Nỗ lực cho hoà bình

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, việc Việt Nam trúng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) với số phiếu cao kỷ lục, 192/193 phiếu, cho thấy quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước, cũng như mong muốn của các quốc gia Việt Nam sẽ đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế.

Thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước tạo cho Việt Nam vị thế nhất định. Việt Nam còn có kinh nghiệm qua nhiệm kỳ làm thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009; kinh nghiệm từ các mối quan hệ song phương, đa phương phức tạp như APEC, ASEAN, ASEM hay từ việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong. Ảnh: Thu Loan

Thứ trưởng Trung nói rằng Việt Nam tham gia vào HĐBA LHQ sẽ phát huy vai trò, tạo điều kiện, môi trường quốc tế thuận lợi để Việt Nam và khu vực hòa bình, ổn định hơn, từ đó tạo nền tảng cho hợp tác. “Nếu Trung Đông bất ổn, không thể nói là không ảnh hưởng tới Việt Nam, vì đó là các đối tác thương mại, đầu tư và thị trường lao động của Việt Nam. Ở Trung Phi, các nước khó khăn cũng đều là bạn bè truyền thống của chúng ta, là đối tác kinh tế, đối tác đầu tư tiềm năng”, Thứ trưởng Trung nói.

“Trở lại làm chủ tịch ASEAN sau 10 năm, Việt Nam đã trưởng thành lên nhiều về tư thế và tầm vóc, đặc biệt là Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức những hội nghị, uy tín của Việt Nam tăng lên, nhận được sự tin cậy và ủng hộ của các nước ở khu vực và trên thế giới. Nhờ đó, Việt Nam được bầu vào HĐBA LHQ với số phiếu gần như tuyệt đối”, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng

Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, một trong những khó khăn Việt Nam phải đối mặt là HĐBA cũng có sự cạnh tranh nước lớn. Có nhiều quan điểm vốn lâu nay được thừa nhận rộng rãi ở LHQ và cộng đồng quốc tế nhưng giờ thay đổi, như những nghị quyết có từ những năm 1947-48 và 1967 vốn là nòng cốt của LHQ trong xử lý vấn đề Trung Đông mà gần đây bị phủ nhận. Những suy nghĩ về toàn cầu hóa, về biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại cũng đã khác.

Giữa những lực kéo

Tình hình khu vực trong năm tới dự kiến sẽ vẫn chịu chi phối bởi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung về cả chính trị, an ninh, kinh tế và khoa học công nghệ, dưới góc độ một Trung Quốc đang vươn lên, trong khi Mỹ không muốn mất vai trò số một của mình.

Các nước ASEAN đã bàn rất nhiều và thấy rằng cạnh tranh là điều tốt cho khu vực nếu được quản lý phù hợp với luật pháp quốc tế. Và dù cạnh tranh với nhau, họ vẫn coi trọng và tiếp tục quan hệ với ASEAN, còn ASEAN không muốn chọn phe mà muốn quan hệ tốt với cả hai bên.

Hiện đang có nhiều sáng kiến liên quan đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trung Quốc có sáng kiến Vành đai Con đường, Mỹ có Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ đưa ra chiến lược của họ. Những sáng kiến tạo ra cơ hội mới nhưng các nước khu vực ngại dính vào tranh chấp nước lớn. ASEAN cũng đã đưa ra tài liệu định hướng về khu vực này.Theo ông Vinh, các sáng kiến có thể cạnh tranh nhau, nhưng cái nào tốt, phù hợp với các nguyên tắc của ASEAN thì ASEAN ủng hộ.

Làm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, cho thấy 2 yêu cầu rất quan trọng đối với ASEAN trong thời gian tới.

Trước hết, ASEAN phải tăng cường nội lực để mạnh lên từ bên trong, để mỗi quốc gia thành viên thấy rằng mình đang hưởng lợi từ sự gắn kết về kinh tế và được hưởng môi trường hòa bình ổn định và an ninh tốt, để họ thấy rằng lợi ích từng nước gắn với sự mạnh lên của ASEAN.

Thứ hai là phải chủ động thích ứng, ASEAN phải phát huy vai trò của mình trong quan hệ với bên ngoài, phải tranh thủ gắn kết họ với khu vực để duy trì hòa bình và phát triển.

ASEAN cũng cần ứng phó với những phát triển mới của tình hình quốc tế, trong đó có chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, sự phát triển mạnh mẽ của KHCN.

Không đốt nóng hay làm lạnh biển Ðông

Biển Đông là vấn đề rất được quan tâm trong ASEAN. Với vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020, một câu hỏi được đặt ra là Việt Nam sẽ thúc đẩy vấn đề này như thế nào để ASEAN có sự đồng thuận nhất định, có thể giải quyết được những tranh chấp hiện nay.

Thứ trưởng Dũng nói rằng có mấy nội dung liên quan đến biển Đông mà mọi người đều quan tâm chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đó là an ninh, là tự do hàng hải, là thực hiện luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), là hoạt động của các ngư dân trên biển.

“Chúng ta hoàn toàn không có ý định làm nóng hay làm nguội vấn đề biển Đông, mà tùy thuộc vào tình hình. Nếu có vụ việc gì xảy ra liên quan đến tất cả những nhân tố đó, dù Việt Nam không nêu ra thì các nước khác cũng đưa lên bàn hội nghị để trao đổi vì động chạm đến mối quan tâm của họ”, Thứ trưởng Dũng nói.

Về quan ngại Việt Nam có thể chịu sức ép lớn từ các cường quốc bên ngoài trong năm làm Chủ tịch, Thứ trưởng Dũng nói rằng Việt Nam hay các nước khác luôn chịu sức ép khi lợi ích của các bên khác nhau, khi quan tâm của các bên khác nhau. Ai cũng muốn quan tâm của mình, lợi ích của mình được các nước ủng hộ.

“Là Chủ tịch, phải có nhiệm vụ khó khăn là phải dung hòa các lợi ích đó, nhưng cũng bảo vệ lợi ích của chính mình. Đó là nghệ thuật. Và Việt Nam sẽ phấn đấu để làm được điều đó”, Thứ trưởng Dũng nhận định.

Sự kiện một hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN từng không ra được tuyên bố chung vì nội dung liên quan đến biển Đông để lại một bài học sâu sắc cho ASEAN về vấn đề đoàn kết trong khối trước những lực kéo từ bên ngoài. Thứ trưởng Dũng nói rằng Việt Nam phải tính trước những chuyện như vậy.

“Nhưng qua kinh nghiệm của nhiều năm, chúng ta cũng hiểu hơn, biết hơn về giới hạn, mức trần và mức sàn lợi ích của các nước như thế nào. Đây là sự kết hợp rất khéo léo, phải trao đổi thẳng thắn cả chung cả riêng với từng nước để có thể đạt được đồng thuận”, Thứ trưởng Dũng nói.

Về câu hỏi Việt Nam có nên phối hợp vị trí chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ để nêu vấn đề biển Đông, nhằm giúp tiếng nói và lập trường của Việt Nam được lắng nghe nhiều hơn, Thứ trưởng Dũng nói rằng việc này còn tùy thuộc vào tình hình. “Nếu có gì xảy ra nghiêm trọng hoặc vấn đề các nước cùng quan tâm thì nó cũng sẽ nổi lên thôi”, ông Dũng nói. 

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, muốn làm gì thì làm, cả về kinh tế và an ninh, chắc chắn ASEAN phải đẩy mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong đó có tôn trọng luật pháp quốc tế trong an ninh biển.