Nâng cao cảnh giác với dịch Ebola

TP - Dù dịch Ebola lây lan mạnh tại một số nước, đã có các ca bệnh ngoài châu Phi, Bộ Y tế cho biết vẫn giữ nguyên mức cảnh báo hiện tại nhưng cảnh giác hơn, tăng cường giám sát ở cửa khẩu.

Giữ nguyên mức cảnh báo dịch bệnh Ebola

TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, chưa có thông báo hay tài liệu chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ về việc lây virus Ebola qua đường không khí.

Dù WHO nhận định tình hình dịch hiện tại thực sự rất phức tạp, tăng cao số ca mắc và tử vong và phải mất 6-9 tháng mới có thể khống chế được dịch, nhưng Bộ Y tế vẫn giữ nguyên mức cảnh báo, chỉ nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát tại cửa khẩu.

Theo đó, quản lý tốt những người đi đến từ vùng có dịch chưa qua 21 ngày, đặc biệt chú ý lây truyền trong nhân viên y tế. Bộ cũng sẽ tăng cường truyền thông, kiện toàn các phòng xét nghiệm.

Dịch sởi tái xuất

Dịch sởi đã xuất hiện trở lại tại Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An, tại bản Piềng Cọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương đã ghi nhận 49 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi; chủ yếu 1-12 tuổi.

TS Trần Đắc Phu cho biết, khu vực này giáp với một bản của Lào đang có dịch sởi. Đây là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa cao. Ông Phu cho biết, dù tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các địa phương báo cáo lên Bộ đều đạt trên 90%, nhưng có một thực tế là có địa phương chưa giải quyết được chiến dịch tiêm vét vắc-xin.

Dịch sởi bùng phát tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ít nhất 48 em mắc triệu chứng phát ban, 1 bệnh nhi đã tử vong. Huyện Tương Dương phối hợp Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng Nghệ An lập bệnh viện dã chiến tại trường học để dập dịch.

Ngày 15/10, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết, dịch sởi bùng phát ở bản Piềng Cọc, xã Mai Sơn, làm 48 trẻ nhiễm bệnh, trong đó có 11 cháu nhiễm nặng, bệnh nhân tuổi từ 7 tháng đến 12 tuổi. Bệnh nhi Và Bá Nù (18 tháng tuổi), con của Phó bản Và Bá Chờ, đã tử vong. Đến 15/10, có 28 bệnh nhi hồi phục, còn 19 cháu nhiễm bệnh, trong đó 3 cháu nhiễm nặng với triệu chứng sốt cao, phát ban.

Nguyên nhân bùng phát dịch sởi tại vùng rẻo cao Tương Dương ban đầu được nhận định là do một hộ người Mông từ vùng dịch Phá Đánh đưa con bị nhiễm bệnh sang Piềng Cọc để nhờ các bác sĩ điều trị, nghỉ lại 3 ngày tại Piềng Cọc làm lây nguồn bệnh tại bản Piềng Cọc.

Ngày 9/10, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương chủ trì cuộc họp khẩn cấp, thành lập đoàn chống dịch gồm các y, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện, do bác sĩ Lô Văn Hùng, Phó khoa Nội Nhi Bệnh viện Đa khoa huyện, làm trưởng đoàn.

Đoàn cán bộ, nhân viên y tế đã phân loại bệnh nhân theo tình trạng nhiễm bệnh để cách ly, điều trị. Các nhân viên y tế phải mượn điểm tiểu học Piềng Cọc lập bệnh viện dã chiến để cấp cứu, điều trị cho các cháu bị nhiễm sởi.

Huyện Tương Dương điều động ông Vi Tân Hợi đang công tác ở bản Thằm Thẩm, xã Nhôn Mai sang vùng dịch bản Piềng Cọc để trực tiếp chỉ đạo công tác dập dịch, đồng thời áp dụng chế độ chính sách cho các bệnh nhi (34.000 đồng/người/ngày theo quy định của UBND tỉnh); hỗ trợ bản Piềng Cọc 12 triệu đồng để phục vụ chống dịch; hỗ trợ mỗi bệnh nhi 700.000 đồng.

Đại diện chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên Phó bản Và Bá Chờ. Mai Sơn là xã xa nhất của huyện rẻo cao Tương Dương, giao thông đi lại rất khó khăn, từ thị trấn Hòa Bình vào bản trung tâm chủ yếu phải di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ. Tất cả các cháu nhiễm bệnh thuộc diện hộ nghèo.