Thượng tá Nguyễn Thanh Điệp – Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, trên địa bàn nổi lên tình hình trộm cắp tài sản chiếm 50% cơ cấu tội phạm; Công an tỉnh đã khám phá nhiều băng nhóm trộm cắp, tiêu thụ tài sản chuyên nghiệp liên quan đến các đường dây tiêu thụ các tỉnh, thành giáp ranh có cửa khẩu Caphuchia như Tây Ninh, Bình Phước và Long An.
Trong thời gian tới, với tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đã gây ảnh hưởng, khó khăn trong nhân dân, tình trạng thất nghiệp, không có việc làm dẫn đến phát sinh tội phạm trộm cắp tài sản hoặc bị lôi kéo tham gia các băng nhóm tội phạm. Trong khi đó, đối tượng nghiện ma túy còn nhiều cũng phát sinh tội phạm trộm cắp.
Để người dân cảnh giác, Công an tỉnh Bình Dương chỉ ra các thủ đoạn hoạt động của đối tượng trộm cắp như sau:
Tội phạm sử dụng xe ô tô loại 4 và 7 chỗ hoặc xe tải đã hết hạn đăng kiểm để làm phương tiện trộm cắp. Chúng đi nhiều người, di chuyển liên tục trên ô tô từ 0h đến 7h sáng hằng ngày tại các khu công nghiệp, công cộng, bãi giữ xe, khu nhà trọ. Chúng mang theo kìm cộng lực, thủy lực, mỏ lết, đèn khò… để phá khóa và mãu tấu, dao, kéo để tấn công khi bị phát hiện. Khi phát hiện có “mồi” chúng cử người cảnh giới rồi ra tay thực hiện hành vi trộm cắp.
Một hình thức trộm cắp khác, đối tượng theo dõi, để ý những hộ dân thường có người già, trẻ em ở nhà đi vào giả làm nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng các công trình, thiết bị trong nhà, nhân viên tiếp thị bán gas, mỹ phẩm hoặc giả làm người quen của người thân nào đó trong khu vực hoặc trong gia đình nói chuyện với chủ để đánh lạc hướng cho đối tượng khác ra tay.
Tại các trường học, đối tượng lợi dụng khoảng thời gian đưa con đi học sau đó lẻn vào trong các phòng dạy học, phòng làm việc của giáo viên để trộm cắp các loại tài sản như điện thoại, máy tính, tiền…
Ngoài ra, một số đối tượng lừa đảo bằng hình thức khoe nhà sang, siêu xe rồi kêu gọi người dân góp vốn kinh doanh lãi suất cao rồi khi có tiền thì bỏ trốn. Đơn cử mới đây Công an tỉnh Bình Dương phát thông báo truy tìm Lê Thị Tuyết lừa đảo 21 tỷ đồng của người dân bằng hình thức huy động vốn để kinh doanh, rồi ôm tiền bỏ trốn.
Hoặc lừa đảo qua mạng bằng cách, kêu gọi comment từ 1-20 tặng IPhone. Sau đó, đối tượng bảo chuyển phí ship rồi mất hút. Mới đây, nhiều công nhân ở Bình Dương bị lừa khi đối tượng tuyển bán shop quần áo, phục vụ quán ăn, nhà hàng , cà phê. Chúng gửi hình ảnh minh họa chỗ làm khi nạn nhân đến thì nói chỗ này chỗ kia đủ người đang tạm ngưng sửa chữa rồi dẫn dụ chở thẳng qua mấy quám cà phê kích dục, karaoke ôm xong lấy tiền môi giới 5-7 triệu đồng.
Để đối phó với các loại tội phạm trên, người dân ngoài việc tự bảo vệ tài sản an toàn, khi ra khỏi nhà cần nhờ hàng xóm trông hộ. Hạn chế sử dụng các mạng xã hội để đăng hình ảnh, thông tin đang đi xa, về quê hoặc du lịch với gia đình. Có rất nhiều trường hợp đối tượng dùng xe tải đến chuyển hết tài sản trong nhà vì biết chủ đi vắng vài ngày thông qua mạng xã hội nhưng hàng xóm tưởng đang chuyển nhà. Không tin vào các thông tin trên mạng xã hội.
Nếu có điều kiện, người dân cần trang bị camera an ninh kết nối trực tiếp qua điện thoại để kịp thời phát hiện người lạ đột nhập nhằm báo sớm cho cơ quan chức năng và hàng xóm hỗ trợ. Khi có dấu hiệu khả nghi, người dân gọi ngay cho cơ quan công an gần nhất.