Năm tới, Hà Nội hết chỗ đổ rác

TP - Sang năm 2012, Hà Nội sẽ không có chỗ đổ rác nếu không triển khai kết quả dự án thí điểm phân loại rác tại nguồn (3R) và sớm đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác quy mô lớn ở Sóc Sơn.
Xe ủi núi rác ở Nam Sơn Ảnh: PV.

Rác sinh hoạt ngày càng lắm

Hà Nội hiện là thủ đô lớn thứ ba thế giới, nhưng quỹ đất dành cho chôn lấp rác đã hết. Cách duy nhất trong vòng 10-20 năm tới để đối phó với nguy cơ này là thực hiện phân loại rác tại nguồn hay, nâng cao ý thức của người xả rác. “Nếu tất cả rác ở Hà Nội được phân loại từ nguồn, các bãi rác hiện hành của Hà Nội sẽ kéo dài tuổi thọ thêm ít nhất 30-50 năm, thậm chí nhiều hơn nữa”, một nhà khoa học ở Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam nhận định.

Triền đê ngập bãi rác

Đê sông Bùi, đoạn qua địa phận xã Tốt Động (Chương Mỹ - Hà Nội) đang biến thành bãi rác thải sinh hoạt của người dân trong vùng.

Không chỉ mất cảnh quan mà mùi hôi thối từ các đống rác còn lan tỏa ra cả một vùng rộng lớn.

Anh Vũ Viết Hùng, xã Tốt Động, nhà ở gần đoạn đê trên cho biết: Rác ngập tuyến đê là do người dân quanh đó tự ý thải ra. Thấy có bãi rác, những người dân ở các vùng lân cận cũng đem rác đến đổ khiến bãi rác lớn dần.

Mặc dù chính quyền đã gắn biển cấm đổ rác song người dân vẫn cố ý đổ rác vào buổi đêm.

Theo tìm hiểu, sở dĩ người dân mang rác ra bờ đê đổ là do xã Tốt Động cũng như các xã lân cận của huyện Chương Mỹ chưa có công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có quy hoạch nơi đổ rác thải nên người dân “đành” phải mang rác ra đê.

Cách đó không xa, trên tuyến đường liên huyện chạy qua địa bàn xã Đại Yên (Chương Mỹ - Hà Nội) cũng xuất hiện một bãi rác khổng lồ nằm ngay cạnh khu dân cư sinh sống.

Người dân xóm Đường, xã Đại Yên cho biết, bãi rác khổng lồ xuất hiện cách đây 6 năm, chủ yếu là rác đem từ thị trấn Chúc Sơn và các vùng lân cận khác.

Mùa nắng rác bốc mùi nồng nặc, bay vào nhà dân khiến các hộ gia đình ăn, ngủ mất ngon. Người dân xã cũng nhiều lần kiến nghị lên UBND xã mà chưa được giải quyết.

Nguyễn Hoài

Đã thế, “Tỷ lệ các thành phần nilon, cao su, kim loại, thủy tinh trong chất thải rắn ở Hà Nội ngày càng tăng; tỷ lệ thu gom đối với chất thải rắn nguy hại vẫn không được cải thiện”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị&Công nghiệp Hà Nội, nói.

5 năm trước, Sở TN&MT Hà Nội cảnh báo lượng thải của thành phố ngày càng tăng cả về lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm. Tổng lượng chất thải rắn phát sinh của Hà Nội lúc đó mới chỉ 1.500 - 1.600 tấn /ngày và chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 24.000 - 25.000 tấn/năm. Đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt lên đến 5.000 tấn/ngày đêm, trong đó 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị.

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, Công ty TNHH Nhà nước Một Thành viên Môi trường Đô thị (URENCO), cho hay: Mỗi ngày URENCO xử lý từ 3.200 – 3.400 tấn rác thải của 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành, tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), mà vẫn không xuể.

“Với lượng rác gia tăng chóng mặt như thế này, đến hết năm 2012, hơn 10 ô chôn lấp trên quỹ đất hơn 83 ha ở khu xử lý rác Nam Sơn sẽ đầy ứ”, ông Dũng lo ngại.

Rờ rẫm 3R

“Phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng tiếp tục bất cập, xã hội hóa quản lý chất thải rắn vẫn ở tình trạng manh mún, khiến tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn ở Hà Nội quá lớn”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị & Công nghiệp Hà Nội, nói.

Hà Nội từng tuyên truyền rất nhiều dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án 4 triệu USD được thí điểm tại 4 phường của nội thành Hà Nội. 18.000 gia đình được tập huấn phân loại rác tại nguồn...

Hội thảo ngày 30-3 vừa qua ở Hà Nội về 3R khẳng định chi phí cho vận chuyển rác tương đương với việc áp dụng 3R nhưng việc phân loại tốt tiết kiệm được diện tích chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đại diện nhà tài trợ, ông Tadashi Suzuki, Văn phòng JICA, nói triển khai 3R là lối thoát khả thi cho Hà Nội trước nguy cơ hết chỗ chôn lấp với nhiều lợi thế.

Thế nhưng khi dự án chấm dứt, nhận thức về vấn đề này chưa có nhiều thay đổi. 15.400 gia đình tại 7 phường khác tại TP Hà Nội đang được hướng dẫn thực hiện áp dụng 3R mà rất chật vật, trong khi cả Hà Nội có hơn triệu gia đình.

Nam Sơn, khu xử lý rác hiện đại nhất của Hà Nội, thiếu chỗ chôn rác đến mức phải xây tường gạch kiên cố để đựng rác nổi Ảnh: PV.

Nhà máy xử lý rác lớn nhất VN, vẫn ì ạch

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho hay, dự án xử lý rác Hà Nội triệt để nhất từ trước đến nay, giúp đối phó với nguy cơ hết chỗ chôn lấp rác, vẫn ì ạch.

Theo dự án trị giá 39 triệu USD, rác sau khi xử lý có thể xuất khẩu một phần đáng kể. Với công suất tiêu thụ rác 2000 tấn/ngày đêm, dự án lẽ ra chính thức khởi công dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Do rác thải được chế biến thành một lượng lớn các sản phẩm khác nhau, đảm bảo tái chế, sử dụng trên 85%, lượng rác phải đem chôn lấp còn rất ít. Riêng việc này sẽ giúp cứu các bãi chôn lấp rác lớn nhất của Hà Nội đang có nguy cơ đầy ứ chỉ vài ba năm nữa. Đấy là chưa kể lượng rác còn lại sẽ được đóng bao gọn gàng, không gây ô nhiễm cho đất, có thể tái sử dụng sau vài chục năm chôn.

“Hà Nội tạo điều kiện gần như tốt nhất để chúng tôi triển khai dự án đúng dự kiến. UBND TP thông qua chủ trương dự án chỉ một năm kể từ khi chúng tôi đặt vấn đề”, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Tổng Giám đốc AIC, xác nhận.

Nhưng vì sao đến nay việc xử lý rác thải vẫn ì ạch? “Thực tình chúng tôi cũng không rõ”, đại diện AIC nói. Nguy cơ Hà Nội hết chỗ chôn rác đã hiện rõ. Chỉ còn gần hai năm nữa, chúng ta sẽ xoay chuyển sao đây?

Tài nguyên rác, chưa quan tâm

“Rác đúng là tài nguyên”, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Tổ chức Lao động, URENCO, nói, “Hiện mỗi đêm có hàng nghìn người vào ve chai ở bãi rác Nam Sơn, tạo ra nguồn thu nhập trên 50.000 đồng mỗi người”.

URENCO là đơn vị chịu trách nhiệm thu gom vận chuyển, xử lý phần lớn lượng chất thải rắn sinh hoạt nội thành. Các doanh nghiệp khác chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển tại khu vực các huyện ngoại thành Hà Nội.

Bản thân URENCO mỗi ngày cũng thu được từ 60 - 70 tấn rác hữu cơ (đã được phân loại) chuyển về nhà máy xử lý rác Cầu Diễn để xử lý thành phân hữu cơ và bán thành hàng hóa.

Từ rác thải, Trung tâm Nghiên cứu & Chuyển giao Công nghệ Môi trường đã nghiên cứu thành công công nghệ biến chúng thành gạch và bê tông với giá rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương gạch và bê tông thương phẩm.

Trung tâm còn dùng rác làm bê tông và đã được thử nghiệm chịu tải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. TS. Nguyễn Quang Thái, Cục Hạ tầng Cơ sở, Bộ Xây dựng, nhận định: “Sáng chế này có giá trị cao về kinh tế và có tính thực tiễn cao”. Tuy nhiên, công nghệ làm gạch và bê tông từ rác, đến nay, vẫn dừng ở quy mô nhỏ.

Trong khi chưa có bất cứ cơ chế tài chính đủ mạnh nào để khuyến khích tái chế, quay vòng rác, chưa tìm thêm chỗ chọn lấp rác mới, lượng rác không xử lý và lượng rác thải thêm ngày càng nhiều, gia tăng chóng mặt sau mỗi tháng, thậm chí, mỗi tuần, đại diện URENCO - đơn vị vận chuyển rác lớn nhất Thủ đô, nhận định.

Theo Báo giấy