Ngày 1/4, tuy chưa phải dịp khai trương, nhưng Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ Huế vẫn mở cửa “chạy thử”. Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, tại một gian mô hình trưng bày lớn hướng mặt ra đường Lê Lợi, một trong những trục phố chính của Huế thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, có trưng một tấm biển ở trên cao, với dòng chữ cỡ lớn in hoa bằng song ngữ: “Chân dung thêu: Nữ thần Sự thật và Công lý (Nam Phương Hoàng hậu) - An embroidered portrait of the Goddess of Truth and Justice (Nam Phuong Queen)”.
Đi sâu vào trong gian trưng bày dành riêng về chủ đề Hoàng hậu Nam Phương, bảo tàng XQ Huế còn bố trí thêm bảng “thuyết minh” về “Nữ thần Sự thật và Công lý (Hoàng hậu Nam Phương)” cũng bằng song ngữ, với nội dung: “Nữ thần Sự thật và Công lý (Hoàng hậu Nam Phương)” được gọi là nữ thần bảo trợ cho nghề thêu… (Nam Phuong Queen is sponsor goddess ò hand embroidery career…). Điều này khiến cho nhiều người, kể cả du khách nước ngoài khi vào đây tham quan, nhầm tưởng Nam Phương Hoàng hậu thật sự là một vị nữ thần của Việt Nam chuyên bảo trợ cho nghề thêu.
Khi nghe PV Tiền Phong đề cập chuyện “thật như đùa” Hoàng hậu Nam Phương được trưng biển “phong thần” trong không gian một bảo tàng, TS Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho biết: Căn cứ các tài liệu lịch sử, chưa thấy ai nói bà hoàng này là “Nữ thần Sự thật và Công lý”. “Việc bảo tàng XQ “phong thần” cho một vị hoàng hậu chính danh trong lịch sử Việt Nam là sự xúc phạm, vì không ai dám gọi Nam Phương là nữ thần cả”, ông Hằng bức xúc.
Ông Hằng đề nghị làm rõ ai là tác giả của câu này. “Theo tôi, đây là “hơi hám” của Tây hóa. Vì với văn hóa Á Đông, không ai dám hiển thánh nhân vật Nam Phương. Ngay cả Huyền Trân công chúa là một nhân vật lịch sử từ xa xưa, chúng ta cũng không dám hiển thánh. Chỉ có những nữ thần như Thiên Y A Na ở Huế hay Thánh Mẫu ở các vùng khác mới có thể là thần thánh. Đồng ý có thể tán dương nhưng không đến mức hiển thánh như vậy được”, ông Hằng phân tích.
Vị này còn cho rằng, lỗi này không chỉ do sơ suất của chủ bảo tàng, mà thể hiện sự xem nhẹ vai trò tư vấn của các chuyên gia văn hóa, lịch sử, nhân sĩ, trí thức Huế từ các cơ quan có thẩm quyền tại TT-Huế. Những người đứng đầu về quản lý văn hóa, lịch sử địa phương không thể làm ngơ để doanh nghiệp tùy ý bóp méo, thậm chí xuyên tạc lịch sử như vậy, ngay tại một nơi được gọi là bảo tàng.
Tấm bảng thuyết minh về “nữ thần” Nam Phương Hoàng hậu gắn trong Bảo tàng thêu XQ Huế.
Liên quan chuyện Hoàng hậu Nam Phương được “thần thánh hóa”, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện chưa có luật định cụ thể nào chế tài việc đặt thêm các danh hiệu cho nhân vật lịch sử ở trong tác phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, việc “gán” thêm danh hiệu thần thánh cần được hành xử trên tinh thần nhân văn, tôn trọng sự thật. Trao đổi với PV ngày 1/4, ông Tôn Thất Viễn Bào, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc tại Huế, khẳng định, chưa biết chuyện Hoàng hậu Nam Phương được XQ “phong thần”. Hội đồng sẽ tìm hiểu kỹ và có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Trưa 1/4, PV Tiền Phong đã tìm gặp ông Võ Văn Quân, người sáng lập XQ Việt Nam, chủ bảo tàng XQ tại Huế. Vị này cho biết, vì yêu quý Hoàng hậu Nam Phương và muốn truyền cảm hứng cho nghệ nhân thêu, nên ông tự nghĩ ra danh xưng mới mang tính thần thánh như vậy. “Chúng tôi không căn cứ vào tài liệu khoa học, lịch sử nào để đặt chữ nữ thần này, đây là ý tưởng do tôi nghĩ ra. Đây là chữ chưa ai gọi, và chúng tôi đặt cũng là lần đầu tiên, với lý do truyền cảm hứng cho các phụ nữ nghề thêu ở đây…”, ông Quân giải thích.
Ông Quân cũng thừa nhận, chưa thông qua ý kiến của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc về việc ghi danh Hoàng hậu Nam Phương là “nữ thần” tại gian mô hình trưng bày tại Bảo tàng XQ Huế. Việc này cũng chưa hề xin phép các cơ quan chức năng địa phương.
Ông Quân phân trần, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ tại Huế trong quá trình “chạy thử”, chưa khai trương chính thức, còn đợi Sở Văn hóa & Thể thao TT-Huế về “duyệt” lần cuối, nên những gì chưa chuẩn, còn mắc khiếm khuyết, sẽ tiếp tục được điều chỉnh, trên cơ sở lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận, của các chuyên gia văn hóa, lịch sử.
“Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các bên, nếu nhiều phía không đồng ý với dòng chữ “Nữ thần Sự thật và Công lý” đối với Nam Phương Hoàng hậu, XQ sẵn sàng gỡ bỏ”, ông Quân cho biết.
Ai làm gì thì làm, nhưng cần có một cái gốc để tham chiếu, cần có sự tư vấn kỹ càng, tránh sự đã rồi. Khi đã đặt dòng chữ lên đó thì phải có tính chính thống, phải được công nhận một cách chính danh, chứ không đùa được”.
TS Trần Đình Hằng