Năm nay nắng nóng gay gắt đến sớm, nhiều kỷ lục nhiệt độ có thể được xác lập

TPO - Nắng nóng năm nay có thể đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Các kỷ lục nhiệt độ có thể được xác lập trong bối cảnh thiên tai ngày càng dị thường và khốc liệt.

Những ngày đầu xuân năm 2024, TPHCM và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ đón Tết trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao nhất lên tới 35-36 độ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trong tháng 1 và đầu tháng 2, nắng nóng cục bộ đã xuất hiện tại miền Đông Nam Bộ. Nhiệt độ trung bình ở miền Bắc, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực Nam Bộ và một số nơi ở Tây Nguyên tháng 1 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1,0-1,5 độ, có nơi cao hơn, các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 0,5- 1,0 độ. Một số nơi xuất hiện giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ như tại Trà Vinh, Bình Thuận, Lạng Sơn.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, năm 2024, hiện tượng El Nino còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024, khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.

Nếu kịch bản này xảy ra, nắng nóng tại Nam Bộ, Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Nắng nóng năm nay có thể đến sớm và gay gắt.

Trong đó, nắng nóng diện rộng tại miền Đông Nam Bộ sẽ xuất hiện từ nửa cuối tháng 2 và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây trong tháng 3, tháng 4 đến nửa đầu tháng 5. Tại Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 3-5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1,5 độ so với trung bình nhiều năm.

Trước đó, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) xác nhận, năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua, cao hơn khoảng 1,45 độ so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm thời kỳ tiền công nghiệp (giai đoạn 1850-1900). Tổng thư ký LHQ đã nêu rõ, hiện không còn là ấm lên toàn cầu mà thế giới đã chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu.

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của Trung tâm khí hậu Tokyo-Nhật Bản (Tokyo Climate Center - TCC), chuẩn sai nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 ở mức cao hơn 0,53°C so với trung bình nhiều năm thời kỳ 1991-2020 và là năm ấm nhất trong chuỗi giá trị đã ghi nhận được.

Mười năm qua, từ 2014-2023 cũng là 10 năm ấm nhất trong 133 năm của chuỗi số liệu quan trắc được, kể từ năm 1891. Trong đó, từ tháng 5-11/2023 được ghi nhận là những tháng có nhiệt độ ấm nhất so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ba tháng mùa hè (tháng 6-8/2023) và mùa thu (tháng 9-11/2023) cũng là mùa có nhiệt độ cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1891.

Tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc năm 2023 cũng cao hơn 1,09 độ so với trung bình nhiều năm và được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc (năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn trung bình nhiều năm là 1,21 độ).

Đáng chú ý, hầu hết các tháng trong năm đều quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt các tháng 5 và 6/2023.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, năm 2023 đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng, là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất trong 6 năm qua và nhiều hơn 5 đợt so với trung bình nhiều năm.

Đặc biệt trưa ngày 7/5/2023, tại Tương Dương (Nghệ An) quan trắc được nhiệt độ lên tới 44,2 độ, là nhiệt độ cao nhất ghi nhận được trong lịch sử khí tượng Việt Nam, vượt qua kỷ lục 43,4 độ thiết lập tại Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 20/4/2019.