MiG 1.44 MFI: Nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5
MiG 1.44 MFI hay MiG-39 (NATO gọi là Flatpack) là nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm, thuộc dòng máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không của Không quân Nga. MiG 1.44 MFI chỉ là máy bay thử nghiệm công nghệ và nghiên cứu cho những mẫu thiết kế trong tương lai. Loại máy bay này được phát triển để cạnh tranh với F-22 Raptor của Mỹ và luôn nằm trong vòng bí mật, ít khi được công bố chi tiết.
MiG 1.44 MFI được cho là có khả năng tàng hình siêu việt và đạt tốc độ tối đa Mach 2.6 (hơn 3.185km/h). Hệ thống radar và hệ thống điều khiển hỏa lực được kết nối với nhau, cho phép máy bay cùng lúc bắn phá 20 mục tiêu. Khoang chứa vũ khí có thể mang tới 8 tên lửa không đối không tầm trung Vympel R-77.
MiG 1.44 MFI dài 19m, cao 4,5m, sải cánh 15m, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn, tầm bay 4km, trần bay 17km… Máy bay mang theo pháo 30 mm Izhmash GSh-301, tên lửa R-77, R-73, K-37, K-74, bom…
TU-144: Máy bay vận tải siêu thanh đầu tiên
Tupolev TU-144 (NATO gọi là Charger) là loại máy bay vận tải siêu thanh đầu tiên, được đặt theo tên nhà phát minh, nhà thiết kế máy bay Liên Xô Alexei Tupolev. Tháng 6/1969, TU-144 lần đầu tiên vượt qua bức tường âm thanh. Một tháng sau, nó trở thành máy bay vận tải đầu tiên vượt tốc độ Mach 2 (hơn 2.450km/h). TU-144 có vẻ ngoài giống máy bay Concorde của Pháp, nhưng lớn hơn, có thể chở 140 hành khách với vận tốc lên tới Mach 2.35 (gần 2.879km/h).
Tốc độ âm thanh trong không khí ở nhiệt độ 00C vào khoảng 340m/s, tương đương 1.224km/h (nhiệt độ càng cao thì tốc độ âm thanh càng nhanh). Khi máy bay vượt qua bức tường âm thanh, sóng va đập xuất hiện nhiều tại cánh máy bay, tạo ra tiếng nổ ầm ầm.
Trong ảnh là phiên bản TU-144D có hiệu suất sử dụng nhiên liệu cao hơn, ban đầu được dùng để nghiên cứu tốc độ cao. Sau đó, phiên bản này được cải tiến thành TU-144LL với động cơ mạnh hơn, thiết bị điện tử tiên tiến hơn…
VM-T Atlant: Máy bay chở tàu con thoi
VM-T Atlant từng được Liên Xô sử dụng để chở tên lửa đẩy và tàu con thoi của Liên Xô và Nga sau này trong chương trình vũ trụ Buran (giai đoạn 1974-1993). VM-T là viết tắt của Vladimir Myasishchev - Transport. Vladimir Myasishchev là tên một nhà thiết kế máy bay Liên Xô, được phong anh hùng lao động; Transport nghĩa là “vận tải”. VM-T Atlant được thiết kế để chở container hàng hóa, thùng nhiên liệu có kích thước lớn hơn thân máy bay.
VM-T Atlant dài 51,2m, cao 10,6m, sải cánh 53,6m, tải trọng 50 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 192 tấn. Máy bay có vận tốc tối đa 500km/h, tầm bay 1.500km, trần bay 9km. Sau này, các loại máy bay có tính năng tương đương VM-T Atlant gồm có Antonov An-124, Antonov An-225, Boeing 747 Shuttle Carrier Aircraft, Boeing 747-8, Airbus Beluga, Boeing 747 Large Cargo Freighter.
Farman IV: Máy bay huấn luyện làm từ gỗ, tre
Giai đoạn 1909-1916, máy bay huấn luyện Farman rất phổ biến, hàng trăm phi công Nga đã bay chuyến bay đầu đời trên chiếc Farman IV được làm chủ yếu từ gỗ thông hoặc tre, được kết hợp với nhau nhờ khớp nối đơn giản và dây buộc. Máy bay dài 12,5m, sải cánh 10,5m, nặng 400kg, tốc độ 60km/h.
Chỉ một số ít Farman IV được đặt mua từ Pháp, còn hàng trăm chiếc khác Nga tự sản xuất với nhiều biến thể khác nhau, nhưng hầu hết đều sử dụng động cơ Gnome 50 mã lực. Cánh Farman IV được phủ vải, giúp phi công Nga năm 1913 lập được một số kỷ lục về bay cao: 3.000m (máy bay chỉ chở phi công), 1.350m (phi công và 4 hành khách) và 1.120m (phi công và 5 hành khách).
MI-26T2: “Vua” trực thăng vận tải hạng nặng
Mil MI-26 (NATO gọi là Halo) là loại máy bay trực thăng vận tải hạng nặng của Nga, phục vụ cả mục đích quân sự và dân sự. Đây là loại trực thăng lớn nhất và khỏe nhất thế giới.
Phiên bản cải tiến MI-26T được trang bị hệ thống điện tử trên không BREO-26, cho phép trực thăngbay vào bất kỳ lúc nào, ngày cũng như đêm, trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, xấu cũng như tốt. Phiên bản này được sản xuất hàng loạt từ cuối tháng 5/2015. Thông thường, phiên bản mới MI-26T2 dài 12,1m, rộng 3,29m, cao 3,17m, có khả năng nâng hàng nặng 20 tấn, có thể mang hàng trong khoang hoặc bằng dây quàng bên ngoài.
Trước đó, phiên bản MI-26S được nhanh chóng phát triển để đưa vào sử dụng trong chiến dịch xử lý thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Nga đã dùng 30 chiếc MI-26 để đo nồng độ phóng xạ và thả chính xác vật liệu cách ly xuống, bao phủ lò phản ứng số 4 bị hư hại.