"Chúng tôi chờ đợi quan hệ thương mại Đức – Việt sẽ tăng trưởng đáng kể sau FTA", Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner đã nói như vậy tại buổi họp báo nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày tái thống nhất nước Đức (3/10/1990 – 3/10/2015) tổ chức ngày 29/9 tại Hà Nội.
"Quan hệ với Việt Nam luôn là một quan hệ đặc biệt đối với chúng tôi. Khoảng 120.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Đức. Hơn 100.000 người dân Việt Nam nói tiếng Đức. Quan hệ chính trị giữa hai nước chúng ta là rất tốt đẹp. Có thể thấy rõ điều đó qua việc trao đổi thường xuyên các đoàn cấp cao" - Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner khẳng định.
Theo Đại sứ quán Đức, trong tháng 10 này, Bộ trưởng Ngoại giao Frank Walter Steinmeier sẽ tới thăm Hà Nội và TPHCM, tiếp đó vào cuối tháng 11 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức nước Đức.
Sau sự kiện Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào 10/2011, Đức đã có nhiều dự án quan trọng đã và đang thực hiện tại Việt Nam, trong đó có Ngôi nhà Đức, trường Đại học Việt-Đức và tuyến xe điện ngầm số 2 tại TPHCM.
Ngôi nhà Đức được bắt đầu xây dựng tháng 11 năm ngoái tại TPHCM, Bộ trưởng ngoại giao Frank Walter Steinmeier sẽ đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của Ngôi nhà Đức trong chuyến thăm sắp tới. Dự kiến Ngôi nhà Đức sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Về kinh tế, hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU với hơn 300 công ty Đức hoạt động và đầu tư tại Việt Nam. Năm 2014 tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 7,8 tỷ USD với tỷ trọng xuất siêu lớn của Việt Nam. Trong năm qua đầu tư Đức đã tăng gần 40%. Dự kiến vào cuối năm nay, khi hiệp định thương mại tự do (FTA) VN- EU được ký kết, phía Đức hy vọng quan hệ thương mại Đức-Việt sẽ tăng trưởng đáng kể.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về hàng hóa tiêu dùng của Đức - như bánh kẹo hay đồ gia dụng vốn rất được ưa chuộng tại Việt Nam – liệu có rẻ hơn sau FTA, ông Hans-Joerg Brunner khẳng định chắc chắn sẽ rẻ hơn vì được hưởng thuế nhập khẩu 0%.
Tuy nhiên, Đại biện lâm thời Brunner lại bày tỏ lo ngại về mặt hàng xe ô tô Đức sẽ "chậm chân" so với xe Nhật bởi sau 10 năm kể từ khi FTA có hiệu lực, mặt hàng "nhạy cảm" là ô tô từ EU mới được hưởng thuế 0% như các loại hàng hóa thông thường khác.
Thách thức lớn nhất với Đức – vấn đề người tị nạn
Đề cập đến vấn đề nóng mà cả EU đang phải đối mặt, đó là làn sóng người tị nạn tràn ngập châu Âu, Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner cho biết 3 nước Đức, Áo và Thụy Điển là những nước có nhiều người tị nạn nhất. Trong đó Đức dự kiến sẽ đón tới 800.000 người tị nạn, trong đó 25% là trẻ em.
Ông Brunner cho biết đây thực sự là thách thức to lớn đối với Đức, khi nước này phải lo cho chừng đó con người hòa nhập xã hội Đức, bao gồm trợ cấp xã hội, chỗ ở, trường học, tạo công ăn việc làm...
"Hiện Chính phủ Đức đang hợp tác chặt chẽ với EU, các bang cũng đang hợp tác chặt chẽ với nhau để ứng phó với vấn đề này. Sẽ phải mất vài thập niên nữa mới có thể giải quyết được vấn đề này. Đây thực sự là thách thức to lớn nhất đối với chính phủ chúng tôi cũng như các nước tiếp nhận khác" – Ông Brunner nhận định.
Đại biện lâm thời Hans-Joerg Brunner cũng thừa nhận việc Đức khá rộng tay đón nhận người tị nạn có phần nguyên nhân từ việc nước này đang thiếu hụt lực lượng lao động giản đơn, và Đức hy vọng sau vài năm sẽ bù đắp được sự thiếu hụt này nhờ sự hòa nhập thành công của người tị nạn xã hội Đức.