Năm 2012 qua góc nhìn của nhà báo Trần Đình Bá

TP - Trên bức tường trong ngôi nhà của nhà báo kỳ cựu Trần Đình Bá có ghi bài thơ tứ tuyệt của nhà thơ Khương Hữu Dũng: “Lên đỉnh Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi/Trên đầu xanh ngắt một bầu không/Bàn cờ thế sự quân không động/Mà thấy quanh ta nổi bão giông”. Vào phòng khách, có treo bức thư pháp của nhà thư pháp nổi tiếng Phan Văn Bách: “Thác bút mặc tà” (Tạm dịch: Ngòi bút thẳng, chống gian tà)”. “Ngòi bút thẳng” Trần Đình Bá vốn nổi tiếng “chống gian tà” chẳng biết có phải đang ưu tư trước “bàn cờ thế sự” hay không mà đầy những tâm sự khi chia sẻ với Tiền Phong về những vấn để nóng của đất nước trong năm 2012. Nhà báo Trần Đình Bá bắt đầu “điểm báo” bằng sự kiện Nghị quyết Trung ương 4:

'Địa dư đồ khảo' và một Trung Hoa không Hoàng Sa, Trường Sa
> Một góc nghề Tổng biên tập: Nghề của một thời?

Bệnh tham nhũng, người bệnh không bao giờ tự uống thuốc

Nghị quyết Trung ương 4 phản ánh những vấn đề bức xúc của Đảng và nhân dân, nó mang tính thực tiễn và cấp bách. Thực tiễn và cấp bách ở chỗ nào? Đảng ta là Đảng của nhân dân, chỉ duy nhất một Đảng nhưng lãnh đạo đất nước.

Đảng lãnh đạo đất nước thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh nhưng khi xây dựng đất nước đã bộc lộ những vấn đề hạn chế. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ Đảng viên suy đồi về đạo đức.

Vậy “một bộ phận không nhỏ” là bộ phận nào? Nằm ở đâu và bao nhiêu? Phải khoanh vùng cho được. Nhân dân rất tin tưởng nghị quyết Trung ương 4, nhưng để thực hiện được thì con đường còn rất dài và chông gai. Còn nhiều cản trở và nhiều câu hỏi cần trả lời.

“Một bộ phận không nhỏ” sa sút đạo đức nhưng xử lý được bao nhiêu? Cấp tỉnh, cấp Bộ và cấp Trung ương ai đã bị xử lý? Nhiều người đặt câu hỏi: tại sao không xử lý được, phải chăng là lợi ích nhóm, là rút dây động rừng? Nếu xử lý như vậy, con đường thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khó đạt như kỳ vọng. Ông cha ta có câu: “Thuốc đắng dã tật”.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: chúng ta đã nhìn ra được bệnh nhưng cho uống thuốc thế nào? Bệnh tham nhũng sa đọa thì người bệnh không bao giờ tự uống thuốc cả. Phải có chế tài nào đó, bắt người bệnh uống thuốc.

Thưa ông, là một nhà báo nổi tiếng với những bài báo chống tham nhũng, ông nghĩ gì về vấn đề chống tham nhũng mà nghị quyết Trung ương 4 đã đặt ra?

Trong nghị quyết T.Ư 4, tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng. Quốc hội họp mới đây cũng rất gay gắt với tham nhũng. Chống tham nhũng là điều bức thiết, tuy có hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.

Bây giờ đã có nghị quyết Trung ương 4, có Luật phòng chống tham nhũng, có uỷ ban phòng chống tham nhũng. Trên diễn đàn QH, các đại biểu thể hiện tiếng nói quyết liệt chống tham nhũng. Vậy việc chống tham nhũng có tiến triển không?

 "...Bệnh tham nhũng sa đọa thì người bệnh không bao giờ tự uống thuốc cả. Phải có chế tài nào đó, bắt người bệnh uống thuốc...” 

Muốn chống tham nhũng tốt, nguồn tin của báo chí là rất quan trọng, tốt cho cơ quan điều tra. Tôi đã phản ảnh trên báo nhiều vụ án tham nhũng lớn, vụ nào cũng có con người cụ thể , số liệu cụ thể. Bản thân đối tượng bị vạch mặt tham nhũng trong bài báo không kiện, không thể chối cãi được nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử lý.

Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước cao nhưng thực hiện còn chưa tương xứng, chỉ làm được những vụ nhỏ, những vụ lớn chưa làm được? Chẳng hạn, chưa ai nêu vấn đề: số tiền thất thoát của vụ Vinashin, Vinalines có vào túi ai không?

“Anh có giải pháp nào chống tham nhũng không? ”

Trần Đình Bá thắp hương viếng đồng đội.
 

Nếu chỉ phê phán tham nhũng không chưa đủ, ông đã từng nêu những giải pháp chống tham nhũng cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước chưa?

Năm 1999, sau hội nghị T.Ư 6, khoá 8, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có mời tôi đến và nói: “Biết anh tích cực chống tham nhũng, anh có giải pháp nào chống tham nhũng không?

Tôi trả lời: “Thưa chú, giải pháp không thiếu, nhưng vấn đề có làm không và ai làm?” Chủ tịch nước nói: “Nếu có giải pháp khả thi thì kiên quyết làm”.

Tôi trình bày với Chủ tịch nước Lê Đức Anh hai giải pháp cùng với cách thức thực hiện nó đạt kết quả. Nhưng vì nhiều lý do đến nay những giải pháp đó cũng chưa thực hiện được.

Theo ông làm thế nào để chống tham nhũng trong lĩnh vực nhà đất hiện nay đang khá phổ biến và khó “điều trị”.

Theo tôi, chống tham nhũng trong lĩnh vực nhà đất thì dễ hơn. Mọi thứ khác co thể che giấu nhưng nhà và đất rất khó che giấu. Hiện nay quan chức có nhà đất do tham nhũng không ít nhưng không bao giờ họ tự kê khai những tài sản tham nhũng đó.

Ngay ở Hà Nội, có quan chức dám tuyên bố rằng có đất đủ làm nửa sân bay. Địa chính địa phương biết rất rõ nhà trên đất mà mình theo dõi quản lý là của ai.

Nếu làm kiên quyết thì phơi lộ được kẻ tham nhũng. Nếu làm được như thế tôi tin rằng giá đất ở các thành phố lớn sẽ giảm xuống gần giá trị thực tế của nó, sẽ thu về cho ngân sách nhiều tỷ USD.

Tôi nghĩ, chống tham nhũng trong năm 2013 có thể chủ trương rầm rộ hơn, trên các diễn đàn sẽ mạnh mẽ hơn nhưng khó chuyển biến lớn. Vì sao? Lấy ví dụ như trong lĩnh vực tham nhũng nhà cửa đất đai, thì để có nó, không phải một người làm được mà cả một dây.

Tham nhũng tất nhiên sẽ biến hoá theo hướng ngày càng tinh vi nhưng tham nhũng vẫn là tham nhũng. Nếu có quyết tâm cao và giải pháp tốt thì vẫn nhận diện và diệt được tham nhũng. Nếu chống tham nhũng mà không đột phá vào những cái cụ thể thì chống tham nhũng chỉ là chủ trương thôi.

Ban Bí thư vừa có chỉ thị cán bộ Tết không được đến nhà lãnh đạo chúc Tết. Tôi nhớ trước đây cũng có quy định cấm không được tặng quà cho cán bộ trị giá 500 nghìn đồng.

Những quy định này chắc đều có mục đích chống tham nhũng nhưng rất khó khả thi. Bây giờ tặng quan chức có ai tặng quà trị giá dưới 500 nghìn? Thi công chức không dưới 100 triệu đồng vậy chạy quan chức là bao nhiêu?

Nhắc đến những điểm nóng của năm 2012, không thể không nói đến tình hình biển đảo. Ông nhìn nhận thế nào về tình hình biển đảo năm 2012?

Vấn đề nổi cộm của đất nước trong năm 2012 là biển đảo. Biển Đông năm 2012 nổi sóng có nguyên nhân từ tham vọng của Trung Quốc. Phải nhìn nhận rằng tham vọng của Trung Quốc có từ ngàn đời này và không bao giờ thay đổi.

Khi họ có tiềm lực thì tham vọng ấy càng lớn. Chúng ta đã có nhiều nhân nhượng với Trung Quốc, xuất phát từ chính sách đối ngoại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.

Người Trung Quốc rất thấm nhuần câu nói này. Tôi có thể khẳng định dứt khoát Trung Quốc sẽ ngày càng thể hiện tham vọng nuốt trọn biển Đông.

Theo ông, chúng ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Muốn giữ biển Đông, chúng ta phải đấu tranh ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết. Chúng ta đúng, chắc chắn được thế giới ủng hộ. Chúng ta phải có lực lượng bảo vệ biển đảo, nếu về sức mạnh thì không thể so được với Trung Quốc nhưng mình có ưu thế mà họ không thể có được , ấy là sự chính nghĩa.

Mặt khác, ngoài xây dựng lực lượng quốc phòng, phải xây dựng được thế trận toàn dân xây dựng biển đảo. Bộ đội của chúng ta không chỉ biết đánh giặc mà còn phải làm kinh tế. Tại sao không xây dựng những hải đội vừa đánh cá vừa bảo vệ biển đảo? Đó sẽ là những hải đội hùng mạnh, bám biển trên những con tàu công suất lớn mà không hề vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta phải bảo vệ biển đảo bằng chính lực lượng của mình.

Xin cảm ơn ông. 

Phùng Nguyên
thực hiện

Theo Báo giấy