Năm 2011, EVN lại lỗ gần 5.300 tỷ đồng

Theo EVN, nguyên nhân chính do diễn biến thủy văn không thuận lợi năm 2010, ảnh hưởng đến việc phát và cung ứng điện mùa khô năm 2011.

>Tập đoàn lỗ khủng: Trăm sự tại khách quan?

>Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu EVN

>Điểm danh những tập đoàn, tổng cty nhà nước nợ khủng

Tại cuộc hợp báo thường kỳ tháng 11 của Bộ Công thương, đại diện Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011.

Theo đó, sản lượng điện thương phẩm năm 2011 EVN thực hiện đạt 94,65 tỷ kWh, tỷ lệ điện tổn thất trên hệ thống 9,23%, thấp hơn so với Đề án giảm tổn thất điện năng giai đoạn 2009 – 2012 là 9,5% và thấp hơn tỷ lệ tổn thất điện năng 10,15% năm 2010.

Ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, kết quả kiểm tra đánh giá cho thấy, tổng chi phi sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 121.356 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 1.282 đồng/1 kWh. Trong đó, tổng chi phí cho khâu phát điện là 93.557 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện tính theo giá điện thương phẩm 988đồng/1 kWh. Tổng chi phí cho truyền tải điện là 6.889 tỷ đồng, tương ứng với giá thành truyền tải theo điện thương phẩm là 73 đồng/ 1 kWh.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Chi phí cho khâu phân phối, bán lẻ điện là 20.409 tỷ đồng, tương ứng với mức giá phân phối – bán lẻ điện theo giá điện thương phẩm là 216 đồng/1kWh. Trong đó, chi phí cho khâu phụ trợ, quản lý ngành, ngành điện chi 502 tỷ đồng tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 5 đồng/1kWh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phúc, do giá điện thương phẩm bình quân năm 2011 là 1.226 đồng/1 kWh, giá thành sản xuất điện cao hơn 56 đồng/kWh nên việc kinh doanh điện bị lỗ. Nếu tính theo chênh lệch giá thành sản xuất và giá bán điện, năm 2011 bị EVN lỗ 5.297 tỷ đồng.

Nhờ có những khoản thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất và kinh doanh điện mức lỗ của EVN đã được giảm xuống còn 3.181 tỷ đồng.

Như vậy, tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng bao gồm chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến ngày 31/12/2011 là 26.669,27 tỷ đồng, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Đinh Quang Tri, nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN bị lỗ là do diễn biến thủy văn không thuận lợi trong năm 2010, ảnh hưởng đến việc phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô năm 2011. Biến động của tỷ giá hối đoái và biến động giá nhiên liệu làm tăng chi phí, nhu cầu sử dụng điện trong toàn hệ thống thấp dẫn tới việc bán lẻ điện của EVN gặp nhiều khó khăn.

Về kế hoạch bù lỗ của EVN cho những năm trước đây, ông Tri cho rằng, do tăng trưởng điện năm 2012 thấp hơn so với những năm trước (xấp xỉ 10%), EVN sẽ bù 3.500 – 4.000 tỷ đồng từ lãi năm 2012 cho lỗ năm 2010 hơn 8.000 tỷ đồng, bù vào lỗ năm 2011 là hơn 3.000 tỷ. Dự kiến năm 2013 sẽ có lãi để bù các khoản còn lại.

Cũng theo ông Phó Tổng Giám đốc EVN - Đinh Quang Tri, khoản nợ 26.600 tỷ đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN xem xét, đề xuất để xử lý trong vòng 4 năm (từ nay đến 2015). Năm 2012, EVN mới chỉ dự kiến đưa vào giá thành năm 2012 những khoản đến hạn trả nợ, chưa xử lý tồn tại của năm 2010, nếu đưa vào sẽ tăng vọt giá thành điện, tạo sức ép tăng giá điện. EVN đang xem xét tình hình biến động tỷ giá năm 2012 để có đề xuất phù hợp với lộ trình của tăng giá điện trong thời gian tới.

Về việc trả nợ cho PVN, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã thảo luận và ký biên bản nợ tiền điện năm 2011 với PVN, khoanh nợ không coi đó là khoản nợ quá hạn. Sắp tới đây, EVN cũng trình Chính phủ kế hoạch phát hành trái phiếu từ 3 – 5 năm dự kiến 9.000 tỷ đồng.

Cho biết về xu hướng tính giá điện trong thời gian tới, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) khẳng định, giá thành sản xuất điện những năm tới chỉ có tăng, không có giảm.

Ông Cường phân tích, căn cứ theo Quyết định 854 của Thủ tướng Chính phủ quy định kế hoạch chi tiêu tài chính kinh doanh giai đoạn 2011 – 2015, từng bước nâng giá bán điện đến năm 2013 bình quân theo giá thị trường. Do đó, trong các năm từ 2012 – 2015, EVN phải đảm bảo kinh doanh có lãi. Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan rà soát, xem xét số liệu để trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong giai đoạn 2013 – 2015. Ông Cường cho biết, trong tháng 12 này, Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong giai đoạn 2013 – 2015./.

Theo Nguyễn Quỳnh
VOV

Theo Đăng lại