Mỹ 've vãn' muốn bắt tay Nga chống IS ở Syria

TPO - Từ những căng thẳng tột độ và quan điểm bất đồng sâu sắc trước đường lối của Nga ở Syria, Mỹ có phần thay đổi chiến lược và dường như đang có ý định ve vãn Nga trong cuộc chiến chống IS.

Xem nhẹ động thái của Nga ở Syria?


Đầu tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter chưa và cũng không có dự định thảo luận với người đồng cấp Nga. 

Tuyên bố được đưa ra giữa lúc có nhiều thông tin về việc Nga tăng cường sự hiện diện ở Syria, nơi mà Mỹ và các đồng minh tăng cường cuộc chiến được tuyên bố nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ muốn thấy Nga "can dự mang tính xây dựng hơn" với liên minh quốc tế chống IS tại Syria thay vì tăng cường sự hiện diện quân sự ở quốc gia Trung Đông này. 

Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói rằng ông chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Barack Obama có điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề trên hay không.

Các phản ứng chính thức mang lại cảm giác rằng Mỹ không lo ngại nhiều trước động thái của Nga ở Syria. Tuy nhiên, dường như người Mỹ đang tìm các kênh khác để thể hiện mối quan tâm của mình.

Đầu tiên là những công bố mang tính công khai song cũng không kém phần “đe dọa” về số lượng gia tăng các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh ở cả Iraq và Syria. Bên cạnh đó, Mỹ cũng thông qua các đồng minh của mình bày tỏ quan ngại và phát đi thông điệp cứng rắn tại Syria.

Sa lầy không kích

Không kích phiến quân IS

Mỹ, Canada và các đồng minh Trung Đông gồm Bahrain, Saudi Arabia, Jordan và Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu ở Syria trong nhiều tháng qua, và mới đây Thổ Nhĩ Kỳ đã gia nhập liên minh này.

Việc mở rộng chiến dịch không kích IS sang Syria đang gây ra nhiều tranh luận gay gắt về tính hiệu quả. Những người chỉ trích hoàn toàn có cơ sở để đặt ra nghi vấn khi mà bom đạn từ máy bay của Mỹ và các đồng minh không thể làm suy yếu IS trên đất Iraq. 

Theo giới phân tích, các cuộc không kích sẽ không làm thay đổi đáng kể tình hình thực địa. Chiến dịch không kích không hiệu quả tức là Mỹ cùng các đồng minh phải có giải pháp trên bộ, hoặc là mượn tay lực lượng “ủy nhiệm”, hoặc là trực tiếp đưa quân vào.

Phương án thứ nhất trên thực tế đã được triển khai từ lâu nhưng kết quả trên thực địa chỉ là sự hỗn loạn khi có quá nhiều phe nhóm.
Phương án thứ hai cũng đã được nêu ra song bản thân Mỹ và các nước đồng minh cho tới nay đều bày tỏ lo ngại bị sa lầy vào một cuộc chiến mới.

Nhiều dân thường ở Syria đã thiệt mạng vì bị không kích nhầm.

Thay đổi quan điểm

Syria phải đối mặt với cuộc nội chiến kể từ 2011 khi lực lượng chính phủ phải chống các nhóm nổi dậy, trong đó có IS và Mặt trận al-Nusra. 

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hơn 220.000 người thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong khi đó, hơn 12 triệu người Syria chạy ra nước ngoài tị nạn.

Báo Bild am Sonntag của Đức dẫn các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết một phái đoàn Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) gần đây đã thực hiện chuyến thăm Moscow.

Mục đích cuộc tham vấn là bàn khả năng Washington phối hợp hành động, hỗ trợ thông tin tình báo để giúp Moscow chống lại IS tại Syria. Theo tờ báo, Mỹ có động thái trên phần vì sự bành trướng ngày càng tăng của IS, phần vì dòng chảy người tị nạn đến châu Âu mỗi lúc một nhiều.

Hơn nữa thay cho những tuyên bố hồi đầu tuần trước, trong cuộc điện đàm hôm 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Mỹ Ashton Carter nhất trí tiếp tục thảo luận về tình hình ở Syria trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói rằng Tổng thống Barack Obama nhận thấy các cuộc đàm phán giữa quân đội 2 nước là một bước đi quan trọng.

Theo ông Kerry, Washington đang tìm kiếm những lĩnh vực có chung lợi ích với Moscow liên quan đến khả năng hợp tác quân sự song phương ở Syria.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem nhận định vai trò quân sự ngày càng lớn của Nga ở Syria sẽ giúp thay đổi cục diện trong cuộc chiến chống lại các nhóm thánh chiến. 

“Việc Nga tham gia vào cuộc chiến chống IS và Mặt trận Al-Nusra còn quan trọng hơn cả việc họ cung cấp vũ khí cho Syria” - ông Muallem phát biểu trên truyền hình hôm 20/9.

Ông này cũng nhấn mạnh vai trò ngày càng nổi bật của Nga tại Syria chứng tỏ “Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng” trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến.

Và ý đồ của Nga

Ông Putin cùng các tướng lĩnh Nga

Giới phân tích nhận định rằng chính quyền của Tổng thống Syria Assad đã suy yếu trong thời gian gần đây sau khi phải hứng chịu những tổn thất nặng nề trong các cuộc giao tranh, nhất là thất bại trong việc nắm giữ các vị trí chiến lược.

Ông Assad đang chuyển từ "cố gắng nắm giữ tất cả vùng lãnh thổ" sang "rút lui, củng cố khu trung tâm rất quan trọng Alawite" nằm ở dải đất phía Tây của nước này, gồm thủ đô Damascus, thành phố Homs và Hama.

Chính sự suy yếu của chính quyền Syria đã buộc Nga phải đẩy mạnh can thiệp quân sự trong lãnh thổ Syria. Đặc biệt, Nga đang phối hợp với Iran trong "chiến lược Syria".

Cụ thể, chỉ vài tuần sau khi Iran ký thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, Thiếu tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy tối cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã bay sang Moskva để bàn bạc với người Nga về cuộc chiến Syria.

Các chuyên gia quân sự khu vực và quốc tế cho rằng trong thời gian tới, Nga sẽ tăng cường can thiệp bằng các biện pháp quân sự nhằm duy trì chính quyền Assad với mục tiêu giúp Tổng thống Syria có vị thế tốt nhất trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình và hòa giải, hòa hợp dân tộc nào tại Syria.

Đặc biệt, Tổng thống Nga muốn chứng tỏ rằng bất kỳ lực lượng vũ trang bản địa nào hy vọng có thể lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad bằng các hoạt động quân sự đều là không tưởng, đồng thời tạo điều kiện cho đồng minh Iran lấp đầy khoảng trống quyền lực và tập trung vào cuộc chiến chống IS.

Đích thân Tổng thống Syria Assad trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Nga nêu rõ: "Chúng tôi có thể đạt được đồng thuận nhưng chúng tôi sẽ không thể thực thi điều gì chừng nào chưa đánh bại khủng bố tại Syria".

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Mỹ, hay bất cứ đồng minh châu Âu nào của Washington, có thực sự muốn đối mặt với sự can thiệp quân sự trực tiếp của quân đội Nga ở Syria hay không?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp Mỹ John Kerry vừa có cuộc hội đàm tại Berlin ngày 20/9 về tình hình Syria và cuộc khủng hoảng người di cư.

Ông Steinmeier cho rằng cộng đồng quốc tế cần bắt đầu một giai đoạn mới tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Syria với sự tham gia của tất cả các bên, bao gồm cả nước Nga. 

Nhà ngoại giao Đức nêu rõ chiến tranh ở Syria chỉ có thể chấm dứt nếu cộng đồng quốc tế sớm cùng nhau bắt đầu giai đoạn mới tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Iran và Nga, và tất cả các bên cùng có lập trường chung.