Mỹ phát triển vũ khí laser chống tên lửa đạn đạo

Mỹ thúc đẩy kế hoạch phát triển hệ thống vũ khí laser kiểu mới nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí laser giữa các nước cũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Theo giới phân tích, trong cuộc đua tốn kém và dài hơi này, Mỹ dường như đang có chút lợi thế...
Một vụ thử nghiệm hệ thống vũ khí laser ATHENA. Ảnh: Getty Images.

Mỹ mới đây đã công bố kế hoạch trang bị vũ khí laser cho máy bay không người lái (UAV) có tầm hoạt động từ 20.000m trở lên, nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo khi vừa được khai hỏa. Quân đội Mỹ hy vọng thế hệ vũ khí mới này có thể thúc đẩy những thay đổi trong cách thức triển khai cuộc chiến trong tương lai.

Theo trang điện tử Defence One, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) vừa khôi phục dự án trang bị hỏa lực dưới dạng chùm tia laser cực mạnh cho máy bay chiến đấu, biến chúng thành vũ khí hiệu quả chống tên lửa đạn đạo. Theo dự án, thay vì gắn trên máy bay Boeing kích thước khổng lồ, hệ thống vũ khí mới này sẽ được gắn trên bệ đỡ máy bay UAV nhỏ gọn và tiết kiệm chi phí hơn.

Thực tế, dự án phát triển loại vũ khí laser kiểu mới này đã được Mỹ đưa vào thử nghiệm trên máy bay Boeing. Cụ thể là dự án phát triển hệ thống vũ khí laser trên không YAL 1a. Theo đó, hệ thống vũ khí có thể bắn rơi các tên lửa đang bay trên quỹ đạo này sẽ được lắp đặt trên một chiếc Boeing 747-400F. Nhưng dù đã được chế tạo, thử nghiệm thành công và tiêu tốn tiền tỷ, dự án sau đó vẫn bị hủy bỏ do có nhiều nhược điểm, không có tính thực tiễn. Hệ thống vũ khí laser được lắp đặt trên máy bay Boeing chỉ có tầm bắn ngắn, khoảng 250km khiến cho loại vũ khí này trở nên mất tác dụng đối với các tổ hợp tên lửa tác chiến-chiến thuật. Hơn nữa, vì có tầm bắn ngắn, máy bay buộc phải tiến gần bệ phóng tên lửa nên dễ dàng trở thành mục tiêu cho các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của đối phương. Bên cạnh đó, do sử dụng laser iodine oxy hóa học khiến mỗi lần bắn xong, máy bay phải hạ cánh tiếp thêm nhiên liệu cho hệ thống phóng. Chưa kể một khi đưa vào thực chiến, cần phải trang bị từ 10 đến 20 chiếc Boeing-747 được cải tiến đặc biệt, với giá 1,5 tỷ USD mỗi chiếc và chi phí hoạt động 100 triệu USD/năm. Điều bất tiện nữa là máy bay phải luôn được đặt trong vòng bảo vệ của các máy bay chiến đấu hộ tống và máy bay tiếp nhiên liệu bám sát.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời kỳ đó là ông Rô-bớt Ghết, thực tế cho thấy cần phải trang bị được chùm tia laser mạnh gấp 20 đến 30 lần so với laser hóa học trên máy bay để có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách đáng kể. Kết quả là ông Rô-bớt Ghết đã quyết định hủy chương trình vũ khí này vào năm 2011.

Một trong những hệ thống vũ khí laser mới đang được Mỹ thiết kế, chế tạo có tên gọi ATHENA, do hãng chế tạo máy bay Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, có khả năng “bắt sống” các mục tiêu di động. Được đánh giá là một loại pháo laser đa năng, ATHENA ban đầu còn dự kiến trang bị trên cả các tàu chiến, sau đó mới đến máy bay chiến đấu.

Để xử lý một loạt các vấn đề kỹ thuật, Cục Nghiên cứu các dự án tiên tiến quốc phòng và Phòng Thí nghiệm không quân Mỹ đã cùng tham gia dự án. Hiện tại họ đang tập trung nghiên cứu chế tạo một hệ thống dẫn hướng đặc biệt-thực chất là một tập hợp những chiếc gương chuyên dụng cho phép bắn tia laser trong phạm vi cả 360 độ. Các nhà thiết kế ATHENA còn tiết lộ bộ đôi súng laser và hệ thống gương trên có thể bảo đảm bắn hạ bất cứ một thiết bị bay nào đang chuyển động gần với vận tốc ánh sáng. Mỹ khẳng định những cuộc thử nghiệm đầu tiên của hệ thống vũ khí mới này đã được tiến hành từ năm ngoái và đa số đều thành công.

Hệ thống vũ khí laser ATHENA sử dụng công nghệ phổ tia quang phổ, nhiều mô-đun laser sợi quang kết hợp lại thành một. Các sợi quang có tính linh hoạt, nên chùm tia laser có thể dài hàng nghìn mét có hiệu quả cao hơn mà lại chiếm rất ít không gian vì nó có thể được cuộn lại như một sợi dây thừng. Ngoài ra, laser sợi quang rất bền và phóng ra chùm laser chất lượng cao. Một tính năng quan trọng của laser sợi quang là có thể định hướng đi dễ dàng như nước đi qua một đường ống. Hơn nữa các mô-đun laser được kết hợp với nhau để tạo thành chùm tia laser cực mạnh mà chỉ sử dụng lượng điện năng bằng 50% lượng điện năng của hệ thống laser tương đương.

Tuy nhiên, theo kế hoạch của MDA, hệ thống vũ khí mới này có thể sẽ phải mất một thời gian nữa mới có thể bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Theo ông Giêm Xi-rinh (James Syring), người đứng đầu MDA, kế hoạch của MDA là sẽ cân nhắc các khả năng của công nghệ laser trong vòng 3 năm nữa trước khi chế tạo UAV tầm xa có tầm hoạt động từ 20.000m trở lên để làm bệ phóng cho vũ khí laser. Độ cao này không gây nguy hiểm cho hàng không dân dụng và giúp UAV duy trì hoạt động hiệu quả bất chấp thời tiết xấu. Ngoài ra, UAV sẽ được trang bị năng lực tàng hình cùng khả năng duy trì hoạt động trong nhiều ngày liên tiếp, cũng như giữ vững độ cao nằm ngoài tầm tấn công của các hệ thống phòng không hiện nay trên thế giới.

MDA hy vọng sẽ chế tạo được hệ thống bắn laser nhẹ hơn, có tầm bắn xa hơn, có thể bắn nhiều đợt mà không cần tiếp nhiên liệu và có thể đánh chặn tên lửa ngay trong giai đoạn phóng là lúc tên lửa vừa rời bệ phóng theo chiều thẳng đứng. Hiện cơ quan này đặt mục tiêu sẽ hoàn thành kế hoạch tham vọng đó vào năm 2020.

Mỹ thúc đẩy kế hoạch phát triển hệ thống vũ khí laser kiểu mới nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí laser giữa các nước cũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Theo giới phân tích, trong cuộc đua tốn kém và dài hơi này, Mỹ dường như đang có chút lợi thế. Mỹ có khả năng sẽ là người đi đầu trong việc triển khai các hệ thống vũ khí laser, cụ thể là giải quyết bài toán phòng thủ tên lửa cho tàu chiến.

Theo Theo Quân Đội Nhân Dân