Ông Rathke cũng nhấn mạnh quan điểm của Mỹ là hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc làm leo thang căng thẳng trên biển Đông và sẽ không giúp Bắc Kinh đòi “chủ quyền” ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông cho biết Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến trên biển Đông. “Chúng tôi cũng tiếp tục kêu gọi Trung Quốc thể hiện sự minh bạch hơn về khả năng cũng như các ý định của mình”, ông nói.
Ông Rathke tuyên bố, Mỹ có quan điểm khác Trung Quốc và cho rằng việc Bắc Kinh nỗ lực xây đảo nhân tạo ở biển Đông “góp phần làm căng thẳng gia tăng” và các nước khác trong khu vực đều chia sẻ quan điểm trên. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi an ninh biển Đông là vấn đề tối quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ cũng như nền kinh tế toàn cầu. Mỹ quyết tâm hợp tác với các nước khu vực để đảm bảo tự do thương mại trên biển Đông.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang phát triển các tên lửa được thiết kế nhằm “đẩy các lực lượng thù địch, kể cả Mỹ, ra xa hơn các cuộc xung đột khu vực tiềm tàng”. Quân đội Trung Quốc tập trung vào việc sẵn sàng cho một cuộc xung đột tại eo biển Đài Loan, song cũng chuẩn bị cho “các sự cố bất ngờ” tại biển Hoa Đông và biển Đông.
Báo Mỹ New York Times dẫn lời giáo sư Bernard Cole thuộc Đại học Quân sự Mỹ nói rằng, việc Trung Quốc động thổ xây hải đăng ở đá Châu Viên và đá Chữ Thập thuộc Trường Sa, đổ lỗi cho các nước khác gây hấn cho thấy Bắc Kinh quyết chiếm biển Đông. Washington Post dẫn lời chuyên gia Patrick Cronin của Trung tâm Chiến lược Mỹ đánh giá sách trắng quốc phòng Trung Quốc là “kế hoạch bá quyền khu vực”.
Ông Cronin kêu gọi Mỹ phản ứng mạnh mẽ trước ý đồ của Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác quân sự với Nhật và Úc, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các nước Đông Nam Á như Philippines. Theo ông Cronin, phản ứng hiệu quả nhất đối với những tuyên bố của Trung Quốc là tiếp tục điều tàu chiến và máy bay Mỹ tới tuần tra trên biển Đông, gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép.
Mỹ quyết ngăn chặn
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Randy Forbes, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hải quân và Phát triển Lực lượng, Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện Mỹ về Trung Quốc, nhấn mạnh, Mỹ phải làm rõ thông qua những tuyên bố và hành động thực tế rằng việc sử dụng vũ lực và cưỡng đoạt chủ quyền sẽ bị lên án và kiên quyết ngăn chặn. Tổng thống Mỹ cần xuất hiện để xác nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình và Bộ Quốc phòng phải xem xét lựa chọn các giải pháp quân sự như là một phần của quan điểm đối ngoại. Nhưng các nhà hoạch định chiến lược cần nghiên cứu cẩn thận, sao cho khi sử dụng giải pháp quân sự ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc sẽ không dẫn đến leo thang căng thẳng.
Theo ông Forbes, Mỹ nên thể hiện một cách rõ ràng, kiên định quan điểm của mình về tự do hàng hải, giải quyết hòa bình đa phương các tranh chấp bằng cách duy trì sự hiện diện hải quân thường trực trong khu vực, đưa chiến hạm, máy bay của Mỹ đi qua vùng nước và không phận quốc tế mà Bắc Kinh tuyên bố một cách phi pháp là của họ. Không hành động như vậy, mặc nhiên sẽ là tín hiệu cho rằng người Mỹ đã thừa nhận đảo nhân tạo là lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia Mỹ, nước này cần hỗ trợ và ủng hộ ASEAN phát triển một mặt trận thống nhất về vấn đề biển Đông, chỉ để nhấn mạnh rằng những tranh chấp trên biển phải được giải quyết phù hợp luật pháp quốc tế. Tất cả các bên liên quan và không liên quan chứng minh cho Trung Quốc thấy, hành vi cưỡng chế của họ sẽ bị đáp trả bằng những phản ứng kiên quyết và mạnh mẽ. Mỹ phải chứng minh với bạn bè và đồng minh rằng, Mỹ cam kết duy trì sự cân bằng lực lượng ở châu Á, không cho phép Trung Quốc áp đặt quyền thống trị khu vực hoặc đơn phương đạt được mục tiêu của mình bằng đe dọa sức mạnh và cưỡng chế chủ quyền.
Việt Nam mong muốn Mỹ có tiếng nói tích cực giữ hòa bình khu vực
Tiếp Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain chiều 27/5 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và cảm ơn sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ trong việc phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam mong muốn Mỹ có tiếng nói tích cực để góp phần gìn giữ hòa bình trong khu vực và trên thế giới; tránh những đe dọa, xung đột về an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, cũng như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thượng nghị sĩ John McCain và các thành viên trong đoàn nghị sĩ Mỹ bày tỏ quan ngại về tình hình ở biển Đông và cho rằng, mọi bất đồng cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn Quốc hội Mỹ ủng hộ và sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, an ninh, quốc phòng giữa hai nước; tăng cường trao đổi về những vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên cùng quan tâm. Ông McCain cho biết, TPP cần được Hạ viện Mỹ thông qua, nhưng bày tỏ lạc quan rằng, hiệp định này sẽ sớm được hoàn tất.
Tiếp ông McCain cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng, chuyến thăm và làm việc của Thượng nghị sĩ John McCain là dịp tốt để hai bên trao đổi, tìm hiểu thêm các lĩnh vực có thể hợp tác.
TTXVN