Theo nhận định của tờ Der Spiegel, việc Nga thực hiện các cuộc không kích ở Syria, gia tăng hoạt động của máy bay ném bom trên không trung, và cứ vài tuần lại tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng của quân đội… thực hiện là “hồi chuông báo động” đối với Mỹ và đồng minh.
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại châu Âu, trung tướng Ben Hodges nói rằng Mỹ cần “quan tâm đặc biệt” với các hệ thống vũ khí mới của Nga, trong đó bao gồm hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa.
Theo trung tướng Hodges, trong trường hợp xảy ra xung đột, Nga sẽ nhanh chóng triển khai các hệ thống vũ khí có thể khắc chế sức mạnh của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ví dụ như Bastion có thể đánh chìm tàu của NATO ngay khi vượt qua eo biển Bosphorus, một trong những cửa ngõ quan trọng nối với Địa Trung Hải.
Trong những năm gần đây, Nga đã triệt để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, và đây là cuộc cải tổ mạnh mẽ nhất kể từ cuối thế kỷ XIX.
Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) cho biết, đến năm 2020, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga sẽ tiến hành nâng cấp 70% số lượng khí tài quân sự có trong biên chế. Thời điểm hiện nay, tỷ lệ là 30%.
Ông Vasily Kashin nhận định, quân đội Nga trong tương lai gần “có lẽ mạnh hơn tất cả đội quân của Liên minh châu Âu tập hợp lại”. Tuy nhiên, bản thân Moscow xác định, sẽ rất khó khăn nếu đối đầu với Mỹ, do đó, không ngạc nhiên nếu Nga tập trung vào lực lượng răn đe hạt nhân cũng như tiến hành hiện đại hóa hạt nhân một cách nhanh chóng nhất có thể.
Quan hệ giữa Nga và NATO đã xấu đi vì những bất đồng xung quanh cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh về sự phát triển mạnh mẽ chưa từng có của NATO sát biên giới nước Nga, và cho rằng sự gia tăng của NATO là những mối đe dọa nghiêm trọng đối với Liên bang Nga.