Chiến lược lần đầu tiên được công bố kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay nói rằng Mỹ “có quyền tự vệ” trước những mối đe dọa hạt nhân ngày càng lớn từ Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, các quan chức Mỹ hôm qua cho biết chiến lược mới xác định “an ninh kinh tế của Mỹ cũng là an ninh quốc gia” nên Mỹ đòi hỏi quan hệ kinh tế “công bằng và có đi có lại” với các nước trên thế giới, thúc giục Trung Quốc, Nhật Bản và các đối tác thương mại lớn khác giảm thâm hụt thương mại với Mỹ.
Nhấn mạnh rằng Mỹ là trên hết không có nghĩa là “Mỹ một mình”, chiến lược mới cũng kêu gọi cải tổ Liên Hợp Quốc và NATO vì chính quyền Trump tin vào tầm quan trọng của những thể chế này.
Tài liệu về chiến lược an ninh Mỹ dự kiến sẽ được công bố sau bài phát biểu của ông Trump vào ngày 18/12 (giờ Mỹ). Chiến lược này nêu ra 4 nguyên tắc chỉ đạo, gồm bảo vệ đất nước, thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ; bảo vệ hoà bình thông qua sức mạnh và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên một chính quyền mới của Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia ngay trong năm đầu tiên, và cũng chưa có đời tổng thống Mỹ nào tiết lộ chiến lược cùng với một bài phát biểu, Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Chiến lược này xác định 3 vấn đề đối với an ninh Mỹ, gồm “các cường quốc xét lại” đang tìm cách định hình thế giới theo cách ngược lại với những quy tắc và giá trị quốc tế; “các chế độ xấu” đang đe doạ láng giềng với việc theo đuổi vũ khí giết người hàng loạt; và những tổ chức khủng bố xuyên quốc gia.
“Chiến lược này coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược vì Trung Quốc cạnh tranh hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và thông tin, theo những cách không giống những đối thủ khác của chúng ta”, một quan chức Mỹ khác nói.
Xác định sự cần thiết phải giải quyết vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc và những vấn đề nổi cộm khác giữa hai nền kinh tế thế giới, chiến lược Mỹ cũng chỉ ra các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác, như nỗ lực giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. “Đó không phải sự loại trừ lẫn nhau. Chúng tôi đang làm việc với họ để cùng hợp tác trong khi vẫn thừa nhận sự cạnh tranh”, quan chức Mỹ nói.
Cố thay đổi hiện trạng
Chiến lược mới của Mỹ nói về việc giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc giống như cách ông Trump nói từ lúc còn đang tranh cử, nhưng lời lẽ trong tài liệu mới mô tả thách thức từ phía Nga không giống cách ông Trump luôn tránh chỉ trích Nga trong vấn đề Crimea, tác động vào tình hình Ukraine hay vi phạm thỏa thuận hạt nhân chủ chốt với Mỹ. Tài liệu mới mô tả hành động của Nga bằng những từ ngữ nặng nề hơn nhiều so với cách nói của ông Trump.
Tài liệu nói rằng Nga và Trung Quốc là những cường quốc xét lại, đang nỗ lực thay đổi hiện trạng khu vực, như việc Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình hay việc Bắc Kinh quân sự hoá các tiền đồn trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên vùng biển tranh chấp vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc còn từ chối tuân thủ phán quyết của Toà trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 trong đó phủ nhận đòi hỏi chủ quyền của nước này trên hầu hết vùng biển có tầm quan trọng chiến lược.
Chiến lược an ninh của các chính quyền Mỹ trước đôi khi đưa ra dự báo mạnh mẽ về cách hành động trong tương lai. Chiến lược của chính quyền Bush đưa ra năm 2002 làm sống lại cuộc tranh luận trên cả nước về cách biện hộ cho hành động quân sự phủ đầu và mở màn cho chiến dịch quân sự của Mỹ xâm lược Iraq 6 tháng sau đó.
Nhưng tài liệu mới của chính quyền Trump không sử dụng từ “tấn công phủ đầu” ngay cả với Triều Tiên, cho dù cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông H.R. McMaster từng nói nếu ngoại giao và trừng phạt thất bại, “chiến tranh phòng ngừa” hay tấn công phủ đầu có thể cần để ngăn Triều Tiên không tấn công Mỹ.
Một thay đổi khác so với người tiền nhiệm là chiến lược của ông Trump không thừa nhận biến đổi khí hậu là một mối đe dọa an ninh quốc gia. Thay vào đó, tài liệu mới đặt khí hậu vào mục nói về “sự thống trị về năng lượng”, nói rằng trong khi “những chính sách về khí hậu sẽ tiếp tục định hình hệ thống năng lượng toàn cầu”, vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ “không thể thay thế trong việc chống lại một chương trình nghị sự năng lượng không phục vụ phát triển”.