Muôn kiểu bạo hành của các đôi đang yêu

Đang lái xe, Cường phanh gấp rồi dựng chân chống, lôi tay người yêu xuống tát mấy cái vào mặt cô gái, lầm bầm "Nếu nó rủ đi khách sạn chắc cô cũng chui vào hả".

"Chuyện có gì to tát đâu. Em chỉ kể với anh hôm qua đi họp lớp cấp 3 gặp lại cậu bạn thân và cậu ấy chở em về vì anh đi công tác không qua đón em được", Nhi - bạn gái Cường - vừa khóc vừa thổ lộ.

Nhi cho biết, người yêu cô làm việc tại một công ty kinh doanh thiết bị di động. Anh bảnh bao, năng động. Nhi đang là sinh viên năm 3, dịu dàng, đảm đang. Hai người đã về ở chung với nhau được gần một năm. Nhi nghĩ Cường sẽ là bến đỗ cuối cùng của đời mình và luôn chăm sóc bạn trai rất chu đáo.

Thời gian đầu, Cường khá chiều chuộng cô nhưng 3 tháng trước, khi hai người tranh cãi, anh đã bạt tai Nhi lần đầu và từ đó thỉnh thoảng lại ra đòn với người yêu. "Khi em làm gì đó trái ý anh, nhất là lúc anh đang căng thẳng vì công việc, là anh đánh em. Trước đây việc đó chỉ diễn ra trong nhà, khi chỉ có hai đứa. Bây giờ, kể cả đang đi ngoài đường, trong quán nước, anh cũng sẵn sàng giang tay tát nếu em cãi lại hay làm điều khiến anh bực", Nhi ngậm ngùi. 

Cô gái 21 tuổi cho biết, sau mỗi lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay với mình, người yêu lại xin lỗi và có khi thoa thuốc cho cô. Anh nói do nóng tính trong khi bạn gái hay cãi bướng, nên tốt nhất những lúc thấy anh nổi xung thì cô phải nín nhịn, đừng kích động anh. "Em cũng đã cố gắng nhưng không thể lúc nào cũng chịu được. Em vẫn yêu anh và nghĩ chắc chẳng yêu được ai khác ngoài anh. Nhưng có lúc em thấy căm hận anh. Em phải làm sao đây", Nhi hoang mang. 

Ảnh minh họa: Thevendy.wordpress.com.

Đây là một trong vô số trường hợp cô gái bị người yêu sử dụng bạo lực đang diễn ra trong xã hội.

Trong hội thảo liên thế hệ mới đây về "Bạo lực giữa các đôi đang yêu, chưa kết hôn" do Tổ chức hành động vì quyền của phụ nữ châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và môi trường trong phát triển thực hiện, các chuyên gia cảnh báo bạo lực giữa các đôi chưa kết hôn là một mảng tối trong tình yêu. Tình trạng này đang có xu hướng ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Bạo lực ở các đôi đang yêu chưa được xã hội, pháp luật quan tâm sát sao như bạo lực gia đình, mặc dù tình trạng này để lại những hậu quả khó lường.

Ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu riêng biệt và cụ thể về bạo lực giữa các đôi đang yêu. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây trong nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ, khoảng 10% chị em cho biết từng bị một người khác không phải là chồng gây bạo lực kể từ khi 15 tuổi. Người gây bạo lực này chủ yếu là người lạ, bạn trai. 35% phụ nữ tại Việt Nam từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục trong đời, trong đó tỷ lệ bạo lực do bạn tình gây ra cao gấp 3 lần so với bạo lực do các đối tượng khác không phải bạn tình gây ra.

Theo một chuyên gia chuyên nghiên cứu về giới, thông thường sau khi xây dựng gia đình, do áp lực kinh tế, nuôi dạy con cái, các mối quan hệ giữa gia đình hai bên đè nặng, các đôi dễ mâu thuẫn và đôi khi không hóa giải được dẫn đến bạo lực. Tuy nhiên, giữa những đôi đang yêu tưởng như chỉ có  mật ngọt, đắm say, nhớ nhung, khao khát... lại vẫn xảy ra bạo lực, với đủ các hình thức, cung bậc như giữa vợ chồng, từ bạo lực thể chất tới tinh thần, tình dục...

"Ngày trước có thể do chúng tôi phải chiến đấu với nhiều thứ, từ sự cấm đoán của bố mẹ, dư luận xã hội, yêu là thương thầm nhớ trộm, muốn liên lạc với nhau chẳng còn cách nào là gặp mặt, viết thư tay... nên khi bên nhau là dành cho nhau những điều đẹp nhất, dịu dàng, lãng mạn nhất. Còn các bạn giờ thoải mái quá, bố mẹ và xã hội thoáng hơn, yêu đương tự do, nên lại quay ra chiến đấu với nhau chăng", vị này giả thiết về lý do tình trạng bạo lực giữa các đôi đang yêu gia tăng. 

Bà Lê Thị Ngân Giang, Trung tâm nghiên cứu chính sách, pháp luật về giới cũng cho rằng, thế hệ trước ít bạo lực hơn có thể do còn chưa có tự do yêu đương. Các bạn trẻ hiện nay tự do yêu đương, có nhiều phương tiện để kết nối, kiểm soát nhau, từ Facebook tới nhắn tin, gọi điện... Nhiều bạn trẻ còn nhầm lẫn cho rằng sự ngăn cấm, kiểm soát là một  phần trong tình yêu mà không biết rằng đó cũng là một dạng bạo hành.

Câu chuyện được chia sẻ trong hội thảo là một minh chứng. Một cặp yêu nhau 3 năm. Hai người ở hai tỉnh xa nhau, người con trai quan tâm tới người yêu quá mức, mỗi ngày gọi điện vài lần hỏi xem cô gái đang làm gì, ở đâu, với ai, cấm cô có các mối quan hệ thân thiết với người khác phái, kể cả anh rể. Anh chàng không cho người yêu đến nhà chị gái vì ở đó có thể gặp người anh rể. Cô gái giải thích thế nào thì người bạn trai cũng không chịu hiểu đó là quan hệ thân thiết bình thường. Cô ấy cảm thấy khó chịu nhưng không thể chia tay. 

Bà Ngân Giang cho rằng, trong tình yêu, người gây bạo lực thường là người ích kỷ, luôn muốn chiếm hữu. Nạn nhân là các bạn gái thiếu kỹ năng và kiến thức ứng xử, cộng với bị đè nặng định kiến phụ nữ là phải mềm mỏng, chịu đựng. Trong khi đó, khi bị bạo lực, nếu không lên tiếng và có sự ngăn chặn thì sẽ đẩy mọi việc đi xa với mức độ ngày càng trầm trọng.

"Thực tế cho thấy, nhiều chị em thông minh, giỏi giang, khéo léo vẫn bị đánh vì sự thiếu tôn trọng vị thế người phụ nữ của cả người gây bạo hành lẫn nạn nhân. Nhiều chị em không hiểu được quyền của mình. Nếu họ phản kháng, không chấp nhận bạo hành ngay từ lần đầu thì nó khó có cơ hội tiếp tục xảy ra", bà Ngân nói.

Các chuyên gia đều cho rằng, định kiến giới, sự phân biệt đối xử nam - nữ chính là một trong những nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng phụ nữ bị bạo hành, cả lúc thời kỳ yêu đương đến khi đã kết hôn lẫn. "Đàn ông từ khi trong bào thai đến lúc lớn lên đã thừa hưởng nền văn hóa giáo dục tôn vinh họ, khiến họ nghĩ mình là 'công dân loại 1' và có thể có quyền với 'công dân loại 2' là phụ nữ", một chuyên gia nhận định.

Theo nhà xã hội học Nguyễn Thị Minh Tuyết, giảng viên Học viện Báo chí truyền thông, không phải chỉ phụ nữ mà nam giới cũng là nạn nhân của khuôn mẫu xã hội. Họ được đẽo gọt thành một mẫu hình có thể chính họ không mong muốn. Bản thân họ đôi khi không nhận diện được mình đang là thủ phạm hay nạn nhân của bạo hành khi yêu. Giữa tình yêu và sự kiểm soát là một ranh giới mong manh. Và cách nhận diện tốt nhất chính là dựa vào cảm giác của người trong cuộc: khi sự quan tâm khiến người kia cảm thấy khó chịu, còn người quan tâm thể hiện quá mức quyền lực của mình, đó chính là bạo hành.

Nhận biết được quyền của mình, tôn trọng vị thế phụ nữ, có các kỹ năng nhận diện thế nào là bạo hành, người có hành vi này, biết phản kháng ngay khi nó mới manh nha, hay biết dừng mối quan hệ đúng lúc, kêu gọi sự trợ giúp khi cần thiết... là những điều giúp các bạn gái tránh bị bạo hành khi yêu. 

Vương Linh

Theo VnExpress