> Hà Nội chi 265 tỷ đồng cho Đại lễ
Ông Hoàng Mạnh Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, ban đầu chi phí cho hoạt động của 10 ngày Đại lễ được xác định là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức thực chi đến nay là hơn 265 tỷ đồng, bao gồm các khoản chi chính như hoạt động văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền, lễ tân, quà tặng.
Cũng theo ông Hiển, Hà Nội đã cố gắng tiết kiệm, tránh lãng phí nên mức thực chi thấp hơn so với dự toán ban đầu. Điển hình như việc chuyển địa điểm tổ chức văn hóa nghệ thuật từ Hồ Tây về sân vận động Mỹ Đình, chọn quà tặng phù hợp, cắt giảm phần bắn súng thần công, không tổ chức liên hoan nghệ thuật quốc tế và giảm một số hoạt động khác.
Trước đó, nhiều đại biểu đề nghị UBND thành phố cần sớm làm rõ và công khai trước nhân dân chuyện chi tiêu Đại lễ và thực trạng các công trình chào mừng Đại lễ. “Không nên để nhân dân nghi ngờ tiền chi không đúng mục đích” - Đại biểu Nguyễn Việt Hưng (huyện Đông Anh) nói.
Khi nào xóa nhà siêu mỏng, siêu méo?
Trước tình trạng tràn lan nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều tuyến phố dù đã quy hoạch nhưng vẫn lem nhem, UBND TP Hà Nội cho biết, chủ trương “mở đường đồng thời với xây dựng phố” chưa thực hiện được. Điển hình là những tuyến đường ở sâu trong nội thành, dân cư dày đặc như Kim Liên - Ô Chợ Dừa, Ngã tư Vọng, Ngã tư Sở..., mặc dù đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn dậm chân tại chỗ.
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND thành phố lưu ý: Tốc độ chi thường xuyên năm 2010 tăng tới 21,3% so với dự toán, gấp 1,78 lần tốc độ tăng chi đầu tư phát triển so với dự toán, đây là vấn đề cần được phân tích làm rõ để có biện pháp tiết kiệm hơn.
Nguyên nhân là trong điều kiện hiện nay việc sử dụng vốn ngân sách để xây dựng khai thác quỹ đất hai bên đường không khả thi. Căn cứ pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư còn nhiều hạn chế. Việc thu hồi đất ở, đất đang sản xuất kinh doanh và công trình sở hữu tư nhân rất phức tạp về xã hội. Khung giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất còn cách xa với thị trường nên khó tìm sự đồng thuận của người dân với giải phóng mặt bằng.
UBND thành phố cho rằng, thời gian tới việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng mới hoặc cải tạo hai bên tuyến đường chính trong đô thị phải tuân thủ đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị, phạm vi lập quy hoạch tối thiểu 50m mỗi bên, tạo dựng cảnh quan kiến trúc hiện đại hai bên đường và có thể tái định cư tại chỗ hoặc di dân. Quy định Quản lý kiến trúc hai bên tuyến đường sẽ được ban hành trong quý I/2011, tạo cơ sở hình thành những tuyến đường đẹp, hiện đại và xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu méo.
Hạn chế tối đa cao ốc hai bên sông Hồng
Liên quan đến quy hoạch hai bên sông Hồng, đại biểu Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, sông Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng về cảnh quan và trị thủy nên đây là mục tiêu hàng đầu khi quy hoạch. “Việc quy hoạch nên làm sớm dù tốn kém. Nhưng đây không phải là việc tranh thủ kiếm đất xây nhà mà để tạo ra cảnh quan đẹp cho Thủ đô”- Ông Hanh nói.
Cũng theo đại biểu Hanh, dự án quy hoạch 40 km sông Hồng đoạn qua Hà Nội trước đây bộc lộ nhiều bất hợp lý. Đây là quy hoạch cảnh quan, không thể chất tải thêm hoặc đưa vào quá nhiều công trình xây dựng cao tầng; tạo quỹ đất ở đây là không thích hợp.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Việt Hưng kiến nghị Hà Nội không nên dập khuôn mô hình quy hoạch của Seoul (Hàn Quốc) theo hướng bê tông hoá hai bên sông bởi quá nhiều cao ốc. Ông Hưng cho rằng, nếu dập khuôn Hàn Quốc, Hà Nội sẽ mất hết vẻ đẹp thơ mộng…
Kinh phí tạm tính theo báo cáo nhanh của Sở Tài chính Hà Nội: Đêm hội văn hoá nghệ thuật 10-10 là 122 tỷ đồng (gồm biểu diễn nghệ thuật và công nghệ cao); Chương trình Đêm huyền ảo Hồ Gươm 26 tỷ đồng; biểu diễn của đoàn nghệ thuật các tỉnh thành phố và các đơn vị nghệ thuật trung ương tham gia chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm 25 tỷ đồng; tổ chức một số triển lãm hơn 12 tỷ đồng; Chi cho các lễ khánh thành 2,62 tỷ đồng; Chi cho công tác lễ tân đại biểu trong nước, quà tặng 15,94 tỷ đồng...