Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành:

Mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống nhân dân

TP - “Chúng tôi xác định rất rõ, mục tiêu cuối cùng của cả hệ thống chính trị của Vĩnh Phúc là nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ với Tiền Phong trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: như ý

Trọng dụng nhân tài

Sau thành công từ Đại hội cấp huyện, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được tỉnh nhà chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Trong mỗi kỳ Đại hội, việc xây dựng và hoàn thiện văn kiện là công việc quan trọng nhất. Chúng tôi đã chuẩn bị hai đề án lớn, với sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế. Một là Đề án nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, một đề án tổng thể rất lớn, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực. Đề án thứ hai cũng tương đối tổng thể, và được xây dựng thành Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy là Đề án về thu hút và trọng dụng nhân tài, tạo ra đột phá về nguồn nhân lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Hai đề án này chính là căn cứ thực tiễn vô cùng quan trọng đối với tỉnh trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn kiện.

“Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm, chung sức đồng lòng, nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963 là “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.
Ông Lê Duy Thành

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới. Nhân sự được lựa chọn phải là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới. Để làm tốt nhiệm vụ này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chuẩn bị công tác nhân sự một cách bài bản, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, đảm bảo đúng nguyên tắc, chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, đến giữa tháng 8, chúng tôi đã thực hiện xong quy trình 5 bước đối với các nhân sự tái cử cấp ủy và người dự kiến tham gia cấp ủy lần đầu. Đây là điểm mới quan trọng nhất trong quy trình nhân sự nhiệm kỳ này và được Vĩnh Phúc triển khai thực hiện rất tốt.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chuẩn bị và thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đảm bảo hết sức dân chủ, khách quan, công tâm, đúng nguyên tắc và hướng dẫn của Trung ương. Đặc biệt, trong bước rà soát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (bước 1) đã không áp đặt ý kiến chủ quan, mà rà soát, tổng hợp đưa tất cả các nhân sự trong quy hoạch, đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần 1 xem xét, giới thiệu công khai, khách quan.

Kết quả, qua hai vòng thực hiện, đã giới thiệu được 57 đồng chí đủ tiêu chuẩn, điều kiện để Đại hội bầu ra 50 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025, với cơ cấu hợp lý. Trong đó có 6 cán bộ trẻ, 11 cán bộ nữ, 1 cán bộ dân tộc thiểu số. Toàn bộ 57 nhân sự này đều có trình độ quản lý nhà nước chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp.

Mục tiêu trọng yếu trong 5 năm tới được tỉnh Vĩnh Phúc đề ra là gì? Những ngành nghề nào được coi là mũi nhọn, then chốt của tỉnh, thưa ông? 

Phát huy những thành tựu đã đạt được, đặc biệt những thành tựu sau 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục khẳng định ý chí, quyết tâm, kiên trì đổi mới, sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trong đó nhấn mạnh việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời phát huy dân chủ, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Trong kinh tế - xã hội sẽ nhấn mạnh mục tiêu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; thực hiện tốt bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó chú trọng phát triển văn hóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân gắn với đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội… Phấn đấu đến 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Mục tiêu cuối cùng là phục vụ Nhân dân

Vậy tỉnh có kế hoạch cụ thể gì nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế đặt ra, thưa ông?

Đảng bộ tỉnh quán triệt quan điểm phát triển toàn diện, hài hòa trên cả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Vĩnh Phúc lấy sự ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững là mục tiêu xuyên suốt. Trong đó phát triển công nghiệp là nền tảng, động lực của nền kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời Vĩnh Phúc sẽ tập trung phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện. Đa dạng hóa và tạo lập nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quyết tâm, chung sức đồng lòng, nắm chắc thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khát vọng vươn lên, sớm hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh năm 1963 là “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.

Theo ông, những điểm nghẽn nào đang tồn tại cần được tỉnh tháo gỡ trong thời gian tới?

Tìm ra điểm nghẽn để tháo gỡ kịp thời trong nhiệm kỳ tới là vấn đề quan trọng cấp thiết được Vĩnh Phúc đề ra. Tại sao vấn đề giải phóng mặt bằng không làm được? Tại sao đầu tư công giải ngân chậm? Tại sao các dự án đã triển khai nhiều năm nhưng bây giờ vẫn có nhiều vướng mắc và tiến độ chậm? Vấn đề ở đâu? Nhà đầu tư muốn, tỉnh muốn, nhưng vì sao vẫn vướng?... Những điểm nghẽn này phải tập trung tháo gỡ để thu hút các nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề trách nhiệm cá nhân. Phải nói thật, lâu nay trách nhiệm không rõ, một việc ai cũng thấy cần làm nhưng lại không ai làm và làm với tinh thần trách nhiệm cao. Do vậy, nhiệm kỳ tới, chúng tôi sẽ quan tâm đến việc phân cấp, phân quyền, giao nguồn lực và gắn trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu. Cần rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm và sẽ kiểm điểm bằng kết quả cụ thể, từ đó có những chế tài xử lý. Ví dụ, 3 tháng hay 6 tháng kiểm tra kết quả đầu ra, anh làm được hay không được thì xử lý thế nào? Thậm chí mỗi năm chúng tôi đều đánh giá chỉ tiêu qua những con số cụ thể, không đạt, anh phải rút lui để cho người khác làm. Tất cả đều được chúng tôi đưa vào cơ chế, đưa vào chế tài bằng việc lượng hóa các tiêu chí cụ thể, sẽ rõ ràng, minh bạch cơ chế giám sát, cơ chế kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh đó, điểm mới rõ nét hơn lần này được chúng tôi lựa chọn, hướng tới là tất cả các mục tiêu phát triển lâu nay, từ tăng trưởng, tăng thu ngân sách đến việc phát triển kinh tế - xã hội… tất cả cũng chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống nhân dân. Chúng tôi xác định rất rõ, mục tiêu cuối cùng của cả hệ thống chính trị của Vĩnh Phúc là nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, tăng phúc lợi, an sinh xã hội và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau. Nếu tăng trưởng mà không nhằm phục vụ người dân, người dân không được hưởng thành quả từ sự tăng trưởng, phát triển đó, không mang lại đời sống vật chất, tinh thần cao hơn, tốt hơn, toàn diện hơn cho người dân thì đó là điều không thể chấp nhận được, chúng tôi quan điểm rất rõ ràng như vậy.

Trân trọng cảm ơn ông.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước, kết cấu hạ tầng đô thị cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, làm tiền để để tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong giai đoạn 2020-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6 - 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đến 2025 đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng (giá hiện hành)...